Hơn 20 năm làm giáo viên, tôi cũng đã từng băn khoăn: những điều mình nhận xét học sinh của mình với đầy sự khích lệ và yêu thương nhưng mãi mấy năm sau học sinh mới được đọc thì các em đã ra trường mất rồi chẳng còn tác dụng gì nữa! Hóa ra những câu chữ mà chúng tôi đã moi tim vắt óc ra chỉ để vài giáo viên của năm sau đọc thôi ư?
Làm sao để các em được đọc lời phê trong học bạ của Thầy Cô dành cho mình và theo dõi những điểm số thường xuyên mà không sợ cuốn học bạ ấy bị sửa chữa, hư hỏng hoặc mất mát?
Phương án đó chính là chuyển học bạ viết tay thành cuốn học bạ điện tử.
Theo PGS TS Nguyễn Hữu Hợp thì việc làm này khá khó khăn vì kỹ thuật, vì kỹ năng…Nhưng tôi lại nghĩ rằng ngoài những lý do về quy chế và luật pháp thì kỹ thuật và kỹ năng không hề là vấn đề khó khăn.
Với các chuyên gia CNTT có thể đưa ra những giải pháp chuyên nghiệp hơn, tuy nhiên với những GV bình thường biết sử dụng máy tính cơ bản thì ta có thể sử dụng những công cụ có sẵn trên máy tính và công nghệ đám mây miễn phí (OneDrive miễn phí 15Gb/ tài khoản) để tạo ra Học bạ điện tử vô cùng linh hoạt về công năng.
Cuốn học bạ này cho phép tất cả phụ huynh lẫn học sinh vào xem bất kỳ lúc nào (chỉ được xem sổ của con mình) nhưng không thể chỉnh sửa. Khi GV cần nhập điểm và phê học bạ sẽ được admin cho phép trong thời hạn nhất định. Ngoài thời hạn ấy GV cũng chỉ có thể xem như phụ huynh và học sinh .
Như vậy, cái lợi đầu tiên là cho phụ huynh và học sinh vì họ có thể theo dõi tình hình học tập của con em mình và cái lợi thứ hai là cho GV.
Khi nhập điểm và phê học bạ điện tử, vì là làm online nên GV không cần đến trường, do đó chủ động giờ giấc. GV cũng không sợ chữ mình viết xấu hoặc không rõ, điều chỉnh phải làm đúng quy chế chỉnh sửa ... Ngoài ra nỗi sợ mực viết sẽ phai sau một thời gian cũng sẽ không còn phải bận tâm.
Nếu máy tính của GV hoặc nhà trường hư, toàn bộ dữ liệu do lưu trữ trên đám mây nên có thể dùng bất kỳ máy tính nào để đăng nhập trở lại đều được. Không lo nguy cơ sổ học bạ bị mối mọt hay cháy.
Cái lợi thứ ba là cho nhà trường trong việc quản lý .
Khi dùng sổ sách điện tử, chúng ta dễ dàng kiểm tra bằng các thao tác lọc, không nhất thiết phải đọc dò bằng mắt thiếu chính xác bởi điểm được thiết kế tự cộng trên excel nên nếu GV nhập sai thì điểm trung bình sẽ sai và GV chủ nhiệm sẽ phát hiện ra. Học bạ điện tử cũng không cần in ra mà chỉ cần chuyển cả cuốn đi cho trường khác chỉ bằng một thao tác gửi link. Như vậy bộ phận văn phòng cũng thuận lợi trong việc lấy thông tin cá nhân đầu năm mà không phải khai lại hồ sơ và tổng hợp từ sơ yếu lý lịch viết tay thành văn bản trên máy.
Cái lợi thứ tư là cho bộ phận quản lý và văn phòng.
Vì không cần in ra nên mỗi năm ta tiết kiệm được một lượng lớn giấy cho việc in ấn.
Cụ thể về kỹ thuật như thế nào?
Phương án 1: Dùng Excel hoặc word
* Chúng ta nhận một file học bạ mẫu từ cơ quan chức năng thiết kế bằng Excel. Sau đó copy ra thành nhiều bản và điền tên cùng lý lịch học sinh. Cuối cùng upload toàn bộ lên OneDrive sau khi đã sắp xếp theo từng lớp.
Khi cần nhập điểm hay viết lời phê cho HS , Admin sẽ mở quyền Edit ( chỉnh sửa ) cho GV. Khi hết thời hạn chuyển sang quyền View.
* Gửi link cho phụ huynh và chọn chế độ xem là View. Vậy phụ huynh chỉ xem được Section của con em mình và hoàn toàn không tác động lên được.
* Trên OneDrive, GV có thể sắp xếp các file học bạ cá nhân thành những folder riêng cho từng lớp dễ dàng. Việc lưu trữ này có thể suốt đời và an toàn không lo mất mát , hỏa hoạn hay mối mọt.
Phương án 2 : Dùng OneNote
Với công cụ này chúng ta dễ dàng sắp xếp các trang học bạ theo danh sách có thứ tự và dễ tìm kiếm bất cứ thông tin nào bởi bố cục của nó và công cụ tìm kiếm hiệu quả tích hợp vào chung.
Quan sát hình ảnh trong ví dụ ta thấy nhà trường có thể tạo ra nhiều NoteBook. Mỗi NoteBook ấy là bộ hồ sơ cho một lớp học. Trong một NoteBook lớp học có nhiều section và mỗi section ấy chứa thông tin của một HS. Sau đó bên bìa phải là các page được phân ra là từng năm học. (Nếu HS bị lưu ban ta cũng dễ dàng tạo thêm page mới )
Cái lợi của cuốn Học bạ điện tử này là ngoài chức năng cho HS và PH được phép xem thường xuyên thì còn có thể đưa thông tin của cả 12 năm phổ thông thậm chí luôn cả quá trình học đại học, cao học…của em HS đó vào chung. Cuốn học bạ cũng có thể trở thành cuốn sổ liên lạc thông báo mọi hoạt động, thành tích và lỗi vi phạm của HS nếu muốn.
Khi hết năm học cần chuyển HS lớp này sang lớp khác thì bộ phận văn phòng có thể tách từng em ra đính kèm vào NoteBook của lớp mới dễ dàng .
Khi HS chuyển trường cũng vậy, nhà trường sẽ chuyển học bạ đi chỉ bằng một đường link và trường mới sẽ đồng bộ vào hồ sơ của trường mình tương tự.
Việc theo dõi HS thật thuận lợi vì có tính liên tục và cũng dễ dàng kiểm tra thông tin bằng công cụ Search (tìm kiếm).
Điểm số không sợ sai vì đã được xử lý bằng excel có sẵn trong phần mềm.
Nếu ai đó xâm nhập để chỉnh sửa bất hợp pháp sẽ không thể viết thêm bất kỳ thông tin nào nếu Admin không mở chức năng Edit.
Với các GV được phép phê vào học bạ cũng sẽ được công cụ này ghi vết , ngày giờ, tên và địa chỉ mail đầy đủ và sau đó Admin đọc lại nhờ vào thanh History . Một chi tiết thú vị là công cụ này cho phép nhiều GV phê và vào điểm cùng lúc cho cùng một em HS qua công cụ đồng bộ của OneNote. Nhờ tính năng này GV sẽ không còn phải ngồi chờ đồng nghiệp ký xong mới đến mình làm việc nữa.
Cuốn học bạ giấy đã tồn tại hàng trăm năm qua và có lẽ đã đến lúc nó hoàn thành sứ mệnh lịch sử bởi sự phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ lưu trữ thông tin trên đám mây. Tôi tin hàng trăm ngàn đồng nghiệp của tôi trên khắp Việt Nam đều mong mỏi mơ ước này trở thành hiện thực để giảm bớt áp lực cho GV và để làm tăng công năng của cuốn học bạ hơn nữa, góp phần đánh giá thường xuyên HS một cách công khai .
Vấn đề còn lại là HOW (Bằng cách nào) , WHEN (Khi nào) và WHO (Ai) nữa thôi!
Với đội ngũ giáo viên trẻ và lớp giáo viên có chút kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin thì việc tiếp cận với việc vận hành học bạ điện tử theo tôi là vô cùng thuận lợi vàdễ dàng. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số lượng không nhỏ một bộ phận giáo viên có tuổi cũng như có phần hạn chế về kiến thức công nghệ thông tin sẽ khó để có thể vận hành được điều này.Nếu không khéo lại vô tình tạo thêm một áp lực không nhỏ cho đội ngũ này trong công tác giảng dạy. Và trên hết còn phụ thuộc vào lòng yêu nghề và cái tâm của người giáo viên nữa vì nếu thiếu đi điều này thì rất có thể học bạ điện tử là nơi một bộ phận không nhỏ copy và dán những nhận xét khuông mẫu, sáo rỗng có sẵn khi đó thì lợi bất cập hại . Tóm lại là tôi tán thành nhưng cần có sự khéo léo và linh động khi triển khai, nếu có. Phạm Xuân Quang, giáo viên lớp 5, tiểu học Bình Thuận, quận Bình Tân, TP.HCM |