Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận cho biết tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước QH chiều 12-6.
200 nhà giáo dục xây dựng chương trình mới
Theo ông Luận, Bộ GD&ĐT đã huy động gần 200 giáo viên, các nhà khoa học, chuyên gia giáo dục ở các trường phổ thông, trường đại học, viện nghiên cứu,… tham gia thiết kế, xây dựng dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể. Dự thảo chương trình tổng thể này đã được đưa ra xin ý kiến góp ý của các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, các nhà khoa học, ý kiến đóng góp của một số hội thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Đồng thời, Bộ đang tích cực chuẩn bị để bắt đầu triển khai xây dựng các chương trình môn học dựa theo dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể.
Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo bảy trường ĐH sư phạm lớn của cả nước, một số trường CĐ sư phạm tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông; tổ chức các hội thảo, hội nghị, tập huấn cho cán bộ quản lý, các nhà khoa học, giáo viên cốt cán các trường sư phạm, trường phổ thông… trên cả nước để chuẩn bị nguồn lực xây dựng, thẩm định chương trình, biên soạn, thẩm định SGK.
Thông tư 30 đã có những tác động tích cực
Liên quan đến thông tư 30 về đổi mới đánh giá học sinh tiểu học ông Luận, cho biết tổng hợp từ báo cáo của 63/63 sở GD&ĐT việc triển khai kết hợp đánh giá bằng nhận xét với điểm số vào cuối học kỳ và cuối năm học đã có những tác động tích cực.
Đối với giáo viên: Cách đánh giá mới đã góp phần thay đổi căn bản cách dạy và học trong trường tiểu học, góp phần tích cực giúp giáo viên đổi mới phương pháp dạy học, hình thức tổ chức dạy học.
Đối với học sinh: Do không bị áp lực về điểm số và không còn việc so sánh giữa học sinh này với học sinh khác, các em đã có tâm lý thoải mái, tự tin trong học tập, rèn luyện, có cơ hội phát huy cao nhất năng lực của mình. Bên cạnh đó, học sinh đã bước đầu biết cách tự đánh giá bản thân mình và biết nhận xét góp ý cho bạn. Các em được thầy cô quan tâm, hướng dẫn cụ thể hơn nên bước đầu đã hình thành được một số năng lực, phẩm chất như: Tự giác, tự phục vụ, tự quản, tự tin, giao tiếp, hợp tác, giải quyết vấn đề và có phương pháp tự học.
Đa số cha mẹ học sinh đã hiểu, không bị áp lực về điểm số, đồng tình, ủng hộ việc đổi mới đánh giá học sinh tiểu học. Qua những lời nhận xét của giáo viên, cha mẹ học sinh biết được cụ thể tình hình học tập của con mình, biết con mình mạnh, yếu ở nội dung nào, từ đó có những biện pháp hỗ trợ thêm cho học sinh khi ở nhà.
Giảm tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan; bước đầu khắc phục tình trạng chạy theo thành tích, đánh giá đúng thực trạng học sinh, không có học sinh giỏi tràn lan.
Tuy nhiên, ông Luận thừa nhận vẫn còn một số tồn tại. Đó là, giáo viên dạy lớp có sĩ số đông (ở thành phố và vùng thuận lợi), giáo viên chuyên biệt phải dạy nhiều lớp sẽ vất vả trong việc đánh giá học sinh.
Công tác quản lý ở một số trường chưa thay đổi kịp thời đồng bộ với đổi mới cách dạy, cách học và còn nhiều hồ sơ, sổ sách, gây áp lực giáo viên trong việc đổi mới đánh giá học sinh. Do vậy, nhiều giáo viên phản ánh là công việc trở nên nặng nề, vất vả hơn trước.