1. Dự cảm về một trận đấu khó khăn của U-21 HA Gia Lai trước đối thủ trẻ U-19 Hàn Quốc thể hiện ngay ở đường hầm sân Thống Nhất. Trong khi nhà đương kim vô địch giải U-21 quốc tế báo Thanh Niên căng thẳng và không ai nói với ai lời nào thì cầu thủ khách rất thoải mái với những lời trêu chọc nhau ồn ã.
Hầu hết cầu thủ U-21 HA Gia Lai chỉ đứng đến tai đồng nghiệp U-19 Hàn Quốc cộng thêm sự căng cứng khiến mãi đến sau 15 phút họ mới bắt đầu thiết lập lại thế trận như HLV Nguyễn Quốc Tuấn thừa nhận. Các học trò ông Tuấn vẫn giữ vững lối chơi đẹp mắt với nhiều màn phô diễn kỹ thuật cá nhân lắt léo nhưng để đối thủ “sợ” thì không.
Cả trước và sau khi bị dẫn bàn ở phút 23, cầu thủ HA Gia Lai - thế hệ được đánh giá tốt nhất trong lứa tuổi của một lò đào tạo chỉ chơi với một bài bản giống nhau. Họ giữ bóng phối hợp với nhau rất khéo vẫn không thể có cách nào khác phá vỡ hàng rào phòng ngự màu đỏ.
Trong khi đó, U-19 Hàn Quốc chơi bóng thật đơn giản và tốc độ nhờ cái nền thể lực, thể hình quá tốt. Cái chính là họ biết tận dụng cơ hội và sau khi có bàn dẫn thì đội hình nghiêng về phòng thủ kỷ luật đã bịt kín các cửa dẫn vào cầu môn nhà.
U-21 HA Gia Lai sau một mùa chinh chiến ở giải đấu cao nhất Việt Nam vẫn cho thấy còn “nai” so với đàn em U-19 đa số ở tuổi 18 của xứ Hàn, dù đội bóng này chỉ là lứa sau của đội U-19 Hàn Quốc thứ thiệt từng đá thắng 6-0 U-19 Việt Nam năm ngoái.
Rõ ràng thầy trò HLV Nguyễn Quốc Tuấn vẫn phải học hỏi rất, rất nhiều mới có thể bắt kịp lứa đàn em của bóng đá Hàn Quốc quá thừa mứa tài năng khi tre chưa già mà măng đã mọc.
Các cầu thủ tuổi 18 của Hàn Quốc vượt trội và bài bản hơn hẳn trong cuộc so tài giữa U-21 HA Gia Lai và U-19 Hàn Quốc. Ảnh: XUÂN HUY
2. VPF đang tổ chức một chuyến tham quan và học hỏi cách làm bóng đá chuyên nghiệp của Hàn Quốc cho các thành viên CLB lẫn một số quan chức. Cũng thật ngẫu nhiên như năm ngoái đoàn cán bộ này du học bóng đá ở Nhật trong lúc đội trẻ của Việt Nam đá thua tan nát đồng nghiệp cùng lứa của Nhật dù đối thủ cho chơi bằng bất cứ đội chính hay đội hình hai nào đó.
Không rõ các nhà làm bóng đá Việt Nam đã học hỏi được người Nhật những gì. Chỉ biết sau một mùa giải chuyên nghiệp, làng bóng quốc nội lộ bài rõ hơn về tính… nghiệp dư, từ cách thức tổ chức giải đấu cho đến sự thiếu nghiêm túc từ các thành viên. Chẳng hạn, V-League bị ngắt quãng kéo dài với lý do phục vụ cho các đội tuyển quốc gia trong sự khóc ròng của CLB buộc phải cho cầu thủ nghỉ đá vẫn ăn lương và duy trì phong độ. Nhiều đội bóng ra sân đá bằng tình cảm để thua hoặc giấu cả đội hình chính và chấp nhận mất điểm chờ đá trận sau (!?).
Dĩ nhiên, việc VPF tạo cơ hội cho các thành viên của mình cắp sách đi học điều hay lẽ phải ở một nền bóng đá phát triển là điều tốt. Tuy nhiên, việc áp dụng mô hình chuyên nghiệp của họ hay nói cách khác là học đi đôi với hành ra sao lại là chuyện khác.
Ví như bóng đá Hàn Quốc từ ngày làm chuyên nghiệp chỉ dựa vào sáu đội bóng đá giải vô địch quốc gia nhưng đấy là thành phần có nội lực thực sự nhờ những tập đoàn lớn đỡ đầu. Nó khác hẳn với kiểu làm chuyên nghiệp ở Việt Nam gom cho đủ số lượng đóng tiền chơi bóng mà bất chấp chất lượng khiến khán giả ngày càng nản. Cứ sau mỗi mùa có đội bỏ giải là người ta lại vội vã đưa đội khác lên thay thế. Số phận đội bóng không thọ bởi tính chuyên nghiệp mà sống chết bởi cái gật đầu hay lắc đầu của ông chủ thích hay chán bóng đá.
Tương tự ở giải hạng Nhất đang lùm xùm vụ Cà Mau và Bình Định lấy ai, bỏ ai sau cả tháng trời vẫn chưa có quyết định cuối cùng.
Thôi thì vẫn cứ được tiếng là đi “du học” dù có người đi về vẫn chép miệng “Gọi là học cho sang chứ là hình thức đi du lịch xem bóng đá thôi mà”.