Tôi từng là học sinh giỏi và luôn ý thức về việc học. Tuy nhiên, tôi không thích việc bị “trà bài” mỗi ngày đến lớp. Đọc bài viết “Để không còn nỗi ám ảnh mang tên “trả bài”, những hình ảnh không vui về các lần bị gọi lên “trả bài” lại hiện về trong tôi.
Đó là những giờ môn lịch sử, mỗi sáng thầy giáo dạy sử xách cái cặp táp trên tay bước vô lớp, sau khi đứng giữa bục giảng đáp lại lời chào từ cả lớp thì việc tiếp theo là thầy nheo mắt, mở cuốn sổ ra rồi gọi tên. Đây là “khoảnh khắc” khiến chúng tôi chờ đợi và hồi hộp nhất. Chờ đợi xem mình thầy có gọi đúng tên mình hay không, tôi cảm giác như lần nào trống ngực tôi cũng đập thình thịch.
Những bài sử dài thòng và khó “nuốt” thường rất ít người thuộc lòng. Lớp tôi hay “đối phó” bằng cách lựa cuốn tập nào chữ đẹp chuyền lên bàn đầu rồi lật ngược lại, ai đứng trả bài lâu lâu “liếc xuống” cho dễ nhớ ý. Xui xui bị thầy phát hiện là ăn 0 điểm.
Ngoài môn sử còn có môn văn. Tôi là đứa học giỏi văn nhưng không hề thích bị “trả bài” môn này vì cô dạy văn bắt phải đọc thuộc một đoạn văn trong bài. Với tôi, có thể đọc thuộc bài thơ chứ đọc thuộc bài văn thì tôi chịu. Tôi đã từng bị 5 điểm vì không đọc thuộc lòng đoạn văn.
Tôi thuộc thế hệ 8X, thời tôi chỉ học 1 buổi và rất ít có điều kiện đi học thêm nên có nhiều thời gian để học bài ở nhà. Hơn nữa tôi là đứa học giỏi, chăm học, thế nhưng, mỗi ngày phải học thuộc đủ 3-4 môn để “trả bài”, tôi vẫn thấy áp lực.
Còn hiện nay, đa số các em học cả ngày ở trường, tan trường còn đi học thêm ở trung tâm thì việc tối về còn phải ôn bài để sáng hôm sau kịp “trả bài” thì quá áp lực với các em.
Theo tôi, nếu để các em nắm vững kiến thức và không bị quên bài, giáo viên có thể nghĩ ra những cách ôn bài khác thú vị hơn là việc gọi tên trả bài vào đầu mỗi tiết học. Nếu có “trả bài” thì chọn cách “trả bài” tự nguyện và chấm điểm cộng cho ai xung phong chứ đừng “lô tô tên gọi” như đa số cách làm của giáo viên hiện nay.