Trên cơ sở nhận định môn học giáo dục quốc phòng và an ninh trong trường THPT là môn học chính khóa, Bộ yêu cầu học sinh sau khi học xong chương trình giáo dục quốc phòng và an ninh hiểu được những nội dung chính về lịch sử, truyền thống của các lực lượng vũ trang nhân dân, giáo dục quốc phòng và an ninh, những nội dung chính trong một số văn bản luật về quốc phòng an ninh; quyền, chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Việt Nam, làm cơ sở nhận thức đúng về nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt yêu cầu học sinh nắm được những vấn đề cơ bản về giữ gìn an ninh chính trị và bảo đảm trật tự an toàn xã hội, những âm mưu thủ đoạn về Chiến lược "diễn biến hòa bình", bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch đối với cách mạng Việt Nam, trên cơ sở đó có ý thức phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong các nhà trường THPT; có hiểu biết cơ bản về phòng không nhân dân và kỹ năng phòng tránh một số loại bom, mìn, đạn, thiên tai và cháy nổ;
Có kỹ năng tối thiểu về điều lệnh đội ngũ; kỹ thuật, chiến thuật bộ binh; biết sử dụng súng tiểu liên AK; vận dụng được các động tác chiến thuật từng người trong nội dung thực hành các kỹ năng quân sự, an ninh; tổ chức hội thao giáo dục quốc phòng và an ninh theo quy định.
Học sinh Nguyễn Siêu rèn luyện tính kỷ luật trong đợt tập quân sự. Ảnh: egreengarden.org
Học sinh lớp 10 được học các nội dung về lịch sử truyền thống của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam; đội ngũ từng người không có súng; đội ngũ tiểu đội; kỹ thuật mắc tăng võng, bếp Hoàng Cầm…
Học sinh lớp 11 được học các nội dung về phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội; kiến thức cơ bản về phòng không nhân dân; các tư thế, động tác cơ bản vận động trong chiến đấu; kỹ thuật sử dụng lựu đạn;
Lớp 12 có các nội dung về bảo vệ Tổ quốc sau năm 1975; kỹ thuật bắn súng tiểu liên AK; tìm và giữ phương hướng…
Thông tư này thay thế Quyết định số 79/2007/QĐ-BGDĐT ngày 24-12-2007.