Khác với những học sinh (HS) đeo băng đỏ (sao đỏ) thường thấy ở nhiều trường học, nhóm HS nòng cốt của Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi (phường 3, Gò Vấp, TP.HCM) được hình thành từ dự án “Trường học thân thiện - bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương”. Bằng nhiều cách, nhóm đã hỗ trợ ban giám hiệu và thầy cô hiểu được tâm tư, nguyện vọng của HS và kịp thời ngăn chặn các hành vi xấu như hút shisha, lô đề, đánh nhau...
Hóa giải lời thách đấu
Cuối học kỳ 2 năm học 2015-2016, cả Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi chấn động vì tin tức 10 bạn HS sử dụng shisha điện tử (hay còn gọi là shisha pen). “Trước đó, nghe các bạn trong lớp truyền tai nhau về việc có bạn hút shisha điện tử, một bạn trong nhóm nòng cốt đã âm thầm tìm hiểu. Tin này được bạn báo về ban giám hiệu. Một cuộc kiểm tra cặp của các HS đã được tiến hành. Với bằng chứng dụng cụ hút shisha điện tử trong cặp, một bạn đã không thể chối cãi. Khai thác thông tin từ bạn này, gần 10 HS có hành vi tương tự cũng bị phát hiện” - một thành viên nhóm nòng cốt kể.
Ngay sau đó nhà trường đã phối hợp với công an phường để phá đường dây cung cấp shisha và làm việc với phụ huynh các em HS vi phạm, khuyên nhủ, nhắc nhở các em về tác hại của shisha.
Hay như mới đây, trong giờ ra chơi, hai bạn HS lớp 7 đang chuẩn bị lao vào đánh nhau thì bạn Đào Nguyên Khang vội khuyên can và hai bạn chấp nhận giảng hòa. Khang cho biết: “Từ khi tham gia nhóm nòng cốt, em nhận thấy mình biết nghĩ đến người khác nhiều hơn, làm cho không khí trường học thân thiện hơn cũng là trách nhiệm của mình. Dự các buổi tập huấn của dự án, bản thân em cũng học được cách kiềm chế bản thân và ứng xử khéo hơn với các bạn”.
Cũng cách đây không lâu, chỉ xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhưng một bạn nữ đã nhờ một bạn nam khác trường dằn mặt bạn nam cùng lớp. Bạn nam trong lớp chia sẻ lời thách đấu “hẹn ra cổng trường giải quyết” của bạn trường kia lên Facebook và chuẩn bị tinh thần đi “giải quyết”. May sao tin tức này đã được nhóm nòng cốt mật báo với nhà trường. Thầy cô đã liên hệ với phụ huynh bạn nam trường kia để hóa giải lời thách đấu.
Môi trường học tập trường THCS có nhiều thay đổi tích cực từ khi tham gia dự án. Ảnh: H.LAN
Một nhóm học sinh nòng cốt đang sinh hoạt, tập huấn kỹ năng. Ảnh: H.LAN
“Tham gia đội nòng cốt phải mất nhiều thời gian quan sát, để ý có điều gì bất thường xảy ra nhưng em vui vì giúp được các bạn tránh làm điều xấu” - Phan Đặng Tường Vy nói.
Không chỉ giúp phát hiện các vi phạm, nhóm HS nòng cốt còn có nhiều ý kiến với trường xuất phát từ mong muốn của các bạn như cải tạo lại căn tin cho sạch sẽ, giá cả hợp lý, thức ăn đa dạng hơn; gắn quạt phun sương trong trường; gắn gương trong nhà vệ sinh; đề xuất quà tặng cho các bạn khó khăn...
Xoa lành “nơi dễ bị tổn thương”
Thầy Bùi Thế Vinh, giáo viên dạy toán, chia sẻ lớp chủ nhiệm năm ngoái có một HS thường xuyên ủ dột vì cha mẹ ly thân, em phân vân không biết sống với ai. Biết được tâm trạng của em qua các bạn cùng lớp, thầy đã giúp em giải tỏa lo lắng và chọn sống tạm thời với cha ở gần trường để lo thi cuối cấp, chờ chín chắn hơn sẽ quyết định. Giờ hai thầy trò vẫn còn liên lạc trên Facebook.
Cô Lâm Minh Trang, Hiệu phó nhà trường, cho biết trước đây trò và thầy rất xa cách, nhờ không khí học tập thân thiện, các em đã mạnh dạn bày tỏ những ý kiến, thắc mắc về cách giảng dạy, thái độ của thầy cô giáo. Đặc biệt, các em còn nhanh nhạy nhận biết những dấu hiệu sa sút về sinh hoạt, học tập của các bạn có liên quan đến những tệ nạn ngoài xã hội như cờ bạc, cá độ và nguy hiểm nhất là việc tụ tập hút shisha...
“Hiện tại mỗi khối lớp đều có đội nòng cốt là những em HS giao tiếp tốt, quan tâm đến bạn bè. Những em này chia sẻ với các bạn trong học tập và cũng nắm bắt thông tin cần thiết giúp các thầy cô giáo. Các em được tham gia các khóa tập huấn về các quyền trẻ em, kỹ năng truyền thông, quan sát và ghi nhận những dấu hiệu “dễ bị tổn thương” nơi các bạn cùng lớp, cùng khối lớp” - cô Trang cho biết.
Cũng theo cô Trang, qua thời gian, các thầy cô dần nhận ra việc áp dụng những biện pháp kỷ luật tích cực như thư khen, nhắc nhở, làm việc riêng… thay vì trách phạt đã thay đổi hành vi của HS. Từ chỗ ngang bướng, ngỗ nghịch, dần dần các em biết nhận lỗi, biết kiềm chế tốt hơn, mở lòng ra với bạn bè, với thầy cô. Mối quan hệ giữa thầy trò dần trở nên tốt đẹp, thân thiện hơn.
Ngày 12-5, tổ chức Cứu trợ trẻ em Quốc tế (SCI) phối hợp cùng Sở LĐ-TB&XH TP.HCM ra mắt dự án “Trường học thân thiện - bảo vệ trẻ em dễ bị tổn thương” giai đoạn 2 (từ tháng 5-2017 đến tháng 6-2019) trên địa bàn TP.HCM với ngân sách hơn 30,8 tỉ đồng. Trường THCS Nguyễn Văn Trỗi tiếp tục được chọn thực hiện dự án cùng với 49 trường tiểu học và THCS, bên cạnh đó nâng cao chất lượng hoạt động của Ban Bảo vệ trẻ em, tăng cường sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức xã hội và cộng đồng tại 24 phường, xã trên địa bàn bốn quận, huyện là Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp và Củ Chi. Dự án hướng đến mục tiêu là hỗ trợ giáo dục và bảo vệ trẻ em khỏi mọi hình thức bạo lực, lạm dụng và phân biệt đối xử; hỗ trợ trẻ em nhập cư, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tiếp cận với các dịch vụ an sinh cơ bản như giáo dục, vui chơi và được bảo vệ trong một môi trường an toàn và thân thiện. |