Các poster được thiết kế đẹp mắt, những phần thuyết trình ấn tượng xen kẽ các tiết mục văn nghệ mang đậm văn hoá Bắc Bộ đã làm nên thành công của buổi báo cáo dự án.
Học sinh (HS) lớp 9A12, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, quận 1, TP.HCM vừa thực hiện buổi báo cáo dự án tích hợp liên môn địa lý và nhạc họa với chủ đề văn hoá truyền thống dân tộc miền Bắc Việt Nam.
Sản phẩm do học sinh tự thiết kế. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Khác với những giờ học bình thường, buổi báo cáo được tổ chức tại thư viện với rất nhiều poster do HS tự thiết kế được trưng bày. Các em xuất hiện trong những bộ trang phục mang đậm văn hoá Bắc Bộ.
“Để mở đầu cho chương trình ngày hôm nay, mời thầy cô cùng các bạn thưởng thức âm điệu và vũ khúc vui nhộn của bài dân ca quan họ Bắc Ninh, được các bạn gửi gắm qua tiết mục hát, múa “Trống cơm” - Phan Ngọc Minh, HS lớp 9A12 giữ vai trò MC.
Phan Ngọc Minh tự tin trong vai trò là người dẫn chương trình. Ảnh: KH |
Tiết mục văn nghệ được các em đầu tư từ trang phục đến vũ đạo, mang đậm bản sắc của dân ca Bắc Bộ. Tiếp theo HS thể hiện kiến thức về dân cư, xã hội vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Chuẩn bị chu đáo từ nội dung đến hình ảnh cùng infographic nên phần thuyết trình của các em diễn ra sinh động với nhiều kiến thức bổ ích.
Học sinh thuyết trình về dân cư, xã hội vùng trung du miền núi Bắc Bộ. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Nếu mở đầu chương trình là bài hát múa “Trống cơm” vui nhộn thì giữa chương trình là tiết mục song ca “Bèo dạt mây trôi” dạt dào tình yêu đôi lứa. Giọng hát trong trẻo của hai bạn nữ sinh đưa mọi người đến với làn điệu dân ca quan họ Bắc Ninh.
Tiết mục song ca "Bèo dạt mây trôi" do Phương Thy và Thuỵ Anh thể hiện. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Tại buổi báo cáo, học sinh còn thể hiện sự hiểu biết về kiến thức văn hóa, giới thiệu các sản phẩm văn hoá miền Bắc Việt Nam qua những thông điệp và slogan vô cùng ý nghĩa.
Lần đầu tiên dẫn chương trình nhưng Ngọc Minh đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình. “Chỉ có một tháng để chuẩn bị từ lên kế hoạch, lập kịch bản cũng như dựng chương trình nhưng được sự hỗ trợ của hai cô giáo, em đã làm tốt nhiệm vụ của một MC. Việc thực hiện dự án đã đem đến cho em một trải nghiệm mới. Dự án đã tạo điều kiện cho tụi em làm việc nhóm, từ đó phát huy được sở trường của mỗi người” - Ngọc Minh bày tỏ.
Những câu slogan ấn tượng do học sinh thiết kế. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Theo Ngọc Minh, việc tích hợp liên môn giữa địa lý và nhạc hoạ rất hay. “Qua dự án này, em hiểu rằng vị trí địa lý sẽ ảnh hưởng đến bản sắc văn hoá, tạo nên nét đặc trưng riêng của mỗi vùng miền” - Minh nói thêm.
Trong khi đó, Minh Châu lại bày tỏ: “Trước giờ, em nghe hát ít quan tâm đến ca khúc đó mang dấu ấn vùng miền nào. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án em nhận ra rằng âm nhạc có mối liên hệ mật thiết tới vị trí địa lý. Học dự án dù mất nhiều thời gian nhưng tụi em phát triển được nhiều kỹ năng, có thêm kiến thức địa lý lẫn âm nhạc và hội họa".
Hài lòng trước sự thể hiện của học trò, cô Nguyễn Ngọc Phượng Linh nói: “Các em đã có sự cố gắng, nỗ lực trong phần tìm tòi kiến thức cũng như tự dàn dựng tiết mục. Bản thân tôi cùng với cô Võ Thị Kim Hiệp chỉ là người định hướng, tất cả các sản phẩm hôm này đều là công sức của các em. Các em đã làm rất tốt”.
Nhóm đạo cụ hỗ trợ cho tiết mục hát đi cấy. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Đề cập đến mục tiêu thực hiện dự án, cô Hiệp chia sẻ, dự án được thực hiện dựa trên nội dung dạy học của các môn học có liên quan đến nhau. Cụ thể môn địa lý có nội dung về trung du miền núi Bắc bộ và Đồng bằng sông Hồng. Trong khi đó, môn âm nhạc lớp 9 có phần về âm nhạc dân ca. “Do đó chúng tôi đã họp bàn và quyết định thực hiện dự án để giúp các em có cái nhìn tổng quan về đời sống cũng như văn hoá truyền thống của Bắc Bộ” - cô Hiệp chia sẻ.
Dự án muốn thực hiện thành công đòi hỏi cô phải yêu nghề, trò phải say mê với môn học. Ảnh: NGUYỄN QUYÊN |
Cũng theo cô Hiệp, dạy theo dự án tích hợp liên môn sẽ là cơ hội để học sinh phát triển toàn diện từ kiến thức đến sở trường của mỗi em.
"Việc dạy theo dự án sẽ mất thời gian tuy nhiên nếu cô yêu nghề, trò say mê với môn học thì không có gì là không thể thực hiện" - cô Hiệp nhắn nhủ.