Học trực tuyến ở tiểu học: Mỗi trường mỗi kiểu

Sở GD&ĐT TP.HCM đã có văn bản yêu cầu các trường tiểu học xây dựng kế hoạch dạy trực tuyến.

Đối với khối lớp 1, 2, 3 gồm ba môn tiếng Việt, toán, tiếng Anh. Còn khối lớp 4, 5 gồm các môn tiếng Việt, toán, ngoại ngữ, khoa học, lịch sử và địa lý.

Từng bước triển khai

Thời gian gần đây, chị Nguyễn Thu, sống tại quận 2 lại cùng con học bài qua Internet. Cô giáo ghi hình bài giảng trên lớp rồi gửi lên group phụ huynh. Phụ huynh sẽ cho con xem những đoạn clip ấy, hướng dẫn làm bài và gửi bài cho cô giáo vào 18 giờ mỗi ngày.

“Lớp con tôi có bé nghỉ đến giờ chưa học cũng như chưa nộp bài lần nào. Cô giáo hỏi thăm thì phụ huynh cho biết chị phải đi bán cả ngày, không có thời gian nhắc nhở con học” - chị Thu nói.

Là giáo viên dạy lớp 1 ở Trường Tiểu học Bình Trị 2, quận Bình Thạnh, cô Thanh Huyền cho biết thời gian này cô cũng giảng bài, quay clip rồi gửi lên trang web của trường, qua group lớp hướng dẫn phụ huynh cho con học.

“Tôi đăng bài lên mạng, phụ huynh than mạng yếu, không xem được. Tôi phải gửi bài dạy ra ngoài tiệm nhờ in, rồi thông báo cho phụ huynh đến lấy về nhắc nhở con làm. Dù đã thực hiện nhiều biện pháp nhưng sĩ số lớp 46 mà chỉ có khoảng 10 em thực hiện” - cô Huyền nói thêm.

Tương tự, cô Nguyễn Mỹ Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận 7, cho biết cô đang dùng phương pháp quay màn hình máy tính, từ bài giảng của giáo viên được làm trên Power Point hat Proshow, vừa click chuột vừa nói, chủ yếu ghi tiếng.

Bài giảng giống như một bài dạy trên lớp có kiểm tra bài cũ, có dạy bài mới, có dặn dò. Bài giảng sẽ được đưa lên YouTube, có đường link. Từ đó, phụ huynh sẽ vào đường link để hướng dẫn con học. Nhưng với phương pháp này, học sinh sẽ không tương tác được với giáo viên.

Bà Nguyễn Kim Phượng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai, quận Gò Vấp, nói: “Việc dạy học trực tuyến phụ thuộc vào khả năng, trình độ của mỗi giáo viên. Nhà trường tôn trọng sự sáng tạo của thầy cô. Bài giảng của các thầy cô sẽ được gửi qua khối trưởng duyệt. Sau đó sẽ được chuyển qua ban giám hiệu duyệt lần cuối rồi mới up lên website trường để phụ huynh tải về”.

Học sinh Trường Tiểu học Lương Thế Vinh, quận 7 học bài tại nhà trong thời gian nghỉ học tránh dịch COVID-19. Ảnh: MỸ HẠNH

Còn nhiều bất cập

Với những gì đang làm, cô Thanh Huyền thừa nhận cô trò vẫn chưa thực sự dạy và học trực tuyến.

“Dù tôi đã thực hiện nhiều cách nhưng việc học rất khó thực hiện. Vì thế, học theo kế hoạch của Sở GD&ĐT đặt ra so với tình hình hiện nay không có nhiều hiệu quả. Phụ huynh đa phần là người lao động, họ phải đi làm để mưu sinh, không có thời gian quan tâm việc học cho con. Thêm nữa, các con còn nhỏ, không đủ kiên nhẫn ngồi học trong khi phụ huynh không có thời gian hỗ trợ, phương tiện thiếu thốn nên rất khó” - cô Huyền nói thêm.

Cô Huyền còn cho hay đối với học sinh lớp 1 phải dạy trực tiếp mới có hiệu quả. Học sinh khi học phải có cô giáo bên cạnh giống như cầm tay chỉ việc. Giờ học kiểu này rất khó, muốn có kết quả phải có sự hỗ trợ của phụ huynh.

“Do đó, tôi chỉ có ôn lại bài cũ, rất khó để dạy bài mới. Khi đi học trở lại, tôi có thể dồn những kiến thức giống nhau để dạy gộp, bỏ bớt những môn thuộc về kỹ năng sống để bù đắp thêm kiến thức cho các em” - cô Huyền nói.

ThS Vũ Hoàng Sơn, giáo viên Trường Tiểu học Bình Hòa, quận Bình Thạnh, cho biết việc học trực tuyến còn khá mới mẻ đối với học sinh, đặc biệt là học sinh tiểu học. Việc dạy học còn gặp nhiều khó khăn do đường truyền Internet, do cô và trò chưa quen. Tuy nhiên, phương pháp này phần nào giúp học sinh ôn tập kiến thức cũ, đồng thời có thể học thêm kiến thức mới dưới sự hướng dẫn của giáo viên.

“Nếu giáo viên tổ chức dạy học trực tuyến sẽ có sự tương tác, trao đổi với học sinh. Khi học sinh chưa hiểu sẽ có điều kiện trao đổi trực tiếp với giáo viên ngay trong buổi học. Học sinh có thể trao đổi với tất cả bạn trong lớp. Thông qua buổi học, giáo viên sẽ hình thành tính cách, dạy cho các em văn hóa giao tiếp, văn hóa khi làm việc trực tuyến đối với tập thể” - thầy Sơn nói.

Liên quan đến vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Thảo, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Quốc Thảo, quận 3, nêu quan điểm: “Đối với học sinh tiểu học, dạy học là cá thể hóa từng em nhưng với tình hình hiện nay thì tùy cơ ứng biến, chấp nhận chất lượng ở mức vừa phải”.

Theo ông Thảo, trong quá trình thực hiện, nhà trường gặp một số vấn đề như giáo viên chưa có nhiều kinh nghiệm dạy trực tuyến. Về phía phụ huynh, đối với những gia đình có điều kiện thì quá tốt, còn những gia đình lao động thì giáo viên sẽ tìm mọi cách hỗ trợ các em học. Trường hợp gia đình nào về quê, trường sẽ nắm danh sách để bù đắp kiến thức cho các em khi trở lại.

Không đặt nặng theo tiến độ chương trình

Tất cả bậc học đều phải triển khai việc học trực tuyến. Riêng bậc tiểu học việc học sẽ nhẹ nhàng hơn, chủ yếu củng cố kiến thức. Việc học ở bậc này sẽ không đặt nặng theo tiến độ của chương trình. Khi học sinh đi học trở lại, giáo viên sẽ rà soát các mức độ học sinh đã đạt được để bổ sung kiến thức cho các em.

Ông NGUYỄN VĂN HIẾU, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM

Kiểm tra kiến thức khi HS đi học lại

Dù triển khai dạy học như thế nào nhưng khi các em đi học trở lại thì giáo viên cần phải kiểm tra kiến thức của các em, xem các em thế nào, cái nào biết, cái nào chưa và có kế hoạch dạy, bổ sung thêm kiến thức.

Ông NGUYỄN NGỌC THẢO, Hiệu trưởng Trường Tiểu học
Trần Quốc Thảo, quận 3

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm