Hội chứng ‘dọa’ của các ông bầu

Trước đó, bầu Thụy, bầu Thủy, bầu Trường và nhiều ông bầu khác nữa cũng đã từng thay nhau “oa oa xịt” cái “Vi lích” nhưng người có giọng làm “phê” nhất chỉ có mỗi mình bầu Kiên mà thôi.

Cuộc chơi “Vi lích” lâu nay vẫn là một cuộc chơi tốn kém của các ông bầu, một cuộc chơi ganh đua theo kiểu “chơi cho đài các, cho người biết tay”. Từ đó mỗi khi phán ra một lời nào đó, họ nhất mực đòi hỏi rằng phải đúng khí phách “miệng kẻ sang có gang có thép” và phải theo đúng ý đồ yêu sách là cần một sự hạ mình nhượng bộ từ ban tổ chức (BTC) giải. Cái ban mà những ông bầu, những đại gia này cứ nghĩ là họ sợ đội bóng rút lui thì không có cái giải đấu “danh giá” đấy.

Cứ không vui là dọa nghỉ. Chuyện này như một căn bệnh mãn tính của các ông bầu Việt Nam học đòi làm bóng đá sau khi thấy bầu Đức, bầu Thắng nổi danh từ bóng đá. Giọng điệu hù dọa đấy nghe riết quá nhàm.

Cổ động viên Thanh Hóa từng đòi trả đội bóng về khi cảm thấy những người làm bóng đá bỏ tiền ra nhưng không vì bóng đá và vì người hâm mộ. Ảnh: TƯ LIỆU

Nhìn rõ lại ngọn ngành sự việc thì hình phạt mà BTC giải năm nay dành cho cầu thủ Omar quả là nặng về lý và thiếu đi cái tình. Nhưng một giải đấu từng được một quan chức lỡ mồm tự hào cho rằng “danh giá nhất khu vực” không thể để tồn tại mãi những cái xấu. Cái xấu trong bóng đá Việt Nam ví như những vết hắc lào đôm đốm trên da thâm niên khó chữa làm mọi người xung quanh không dám đến gần trong khi bóng đá ngày càng thiếu khán giả. Mới đây, đội tuyển thi đấu cũng để lây cái xấu xí ở “Vi lích” ấy sang rồi mang tiếng là đội bóng xấu chơi nhất.

Xét trách nhiệm từ phía BTC giải, chỉ mới ba vòng đấu đầu tiên nhưng đã xảy ra quá nhiều chuyện không hay tái diễn thì uy tín giải còn hay mất?

Vẫn bạo lực, vẫn yếu kém của trọng tài, vẫn oan sai, vẫn thưa kiện… và vẫn không có gì cả sau khi mổ băng! Rồi đây người hâm mộ tiếp tục vẫn đến sân xem và nhà tài trợ vẫn tiếp tục đồng hành cùng giải đấu?

Đơn thuần người hâm mộ chỉ muốn đến sân thưởng thức một thứ bóng đá đẹp và hô hào cổ vũ cho đội bóng mình yêu; họ cần chứng kiến những pha bóng đẹp, những bàn thắng hay chứ có ai cần xem những cái chướng mắt khó chịu. Xa hơn nữa, họ đang trông ngóng những tài năng trẻ được xuất hiện trên sân. Họ sẵn sàng phản đối những cái xấu, lên tiếng trước những cái bất công và trề môi trước những cái quá lố.

Trở lại vấn đề, hội chứng “dọa” của các ông bầu đang sống dậy để trở thành một vấn nạn lớn cho những người tổ chức giải nhưng xin nhắc lại là không nhằm nhò gì đến đam mê thưởng thức bóng đá của người hâm mộ cả.

Tuyên bố “game over” (thực tế mới chỉ là hù dọa thôi) chưa phải là giải pháp tốt nếu chúng ta tôn trọng cuộc chơi. Vì khi chơi là phải chấp nhận chơi tới bến và có quyền khiếu nại nếu có oan sai. Hà cớ gì cứ dùng mãi chiêu độc kiểu IS là “ôm bom đi phá giải”. Coi chừng không khéo thì mất cả chì lẫn chài và đại gia thành đại giả.

Thôi mà nghỉ làm gì, chơi tiếp nha… Vì cuộc chơi đang còn dài mà! “Chơi không vui thì chơi làm chi!”. Câu nói với dấu chấm than to tướng này đang là một lời động viên cho ông chủ tịch CLB FLC Thanh Hóa.

Nhưng ở khía cạnh khác thì bài hát nổi tiếng của nữ ca sĩ Hari Won Anh cứ đi đi hình như đang là suy nghĩ của nhiều người lúc nhìn đội bóng đấy sau lời tuyên bố nghỉ chơi của ông chủ. Họ đang chờ xem sự việc có tiếp tục diễn ra theo hướng nói là làm hay không.

Kể ra thì cũng căng vì BTC đã thách thức rồi đấy. Chỉ cần vòng 4 không ra sân thi đấu hay một công văn sau lời nói để thể hiện “nói là làm” thì chỉ 15 phút là có ngay lịch đấu mới và “Vi lích” bóng vẫn lăn với 13 đội mà chẳng chết Tây nào.

Điều mà người hâm mộ sợ nhất là cái ông Ban Kỷ luật sợ chết thường bị sức ép từ những vụ thân thế mà trước đây FLC hay tài trợ những cục to to cho Liên đoàn rồi giảm án thật thì giải đấu này chẳng còn biết tin vào ai.

Để xem giữa đại gia và những người làm giải, ai “cứng” hơn ai.

Thà là như đám trẻ trâu chơi với nhau rồi hét lên “Mày ăn gian, tao nghỉ chơi!” rồi giải tán ai về nhà nấy sẽ dễ thương hơn là kiểu hù dọa với suy nghĩ mình không chơi thì “chết cả làng bóng”.

May quá, cuối năm khỉ rồi!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm