Chính vì lẽ đó mà đa phần dư luận ủng hộ cách làm của BKL trước lời hù dọa bỏ giải của ông bầu đội FLC Thanh Hóa. Họ hô hào BKL cần giữ nghiêm và không run sợ trước những đe dọa nhằm giữ lấy lề.
Song song với phần được mà BKL mạnh tay đấy là những lo âu của giới chuyên môn và của người hâm mộ qua việc BKL sót án. Chẳng hạn cú đạp thô bạo của Hoàng Vũ Samson (Hà Nội) vào cầu thủ trẻ Châu Ngọc Quang (HA Gia Lai) khi cầu thủ này nằm dưới mặt cỏ và không có khả năng tranh chấp. Đó là hành vi bạo lực và cần được trừng trị thích đáng nhưng tiếc là những cánh tay nối dài của ban tổ chức như các giám sát trọng tài lẫn giám sát trận đấu không báo cáo mà đa phần là phản ánh từ giới truyền thông. Hay việc đốt pháo ở khán đài D sân Thống Nhất nằm trong khung hình phạt kỷ luật về an toàn trật tự trên sân đã được khoanh lại như không có gì xảy ra…
Lâu nay, chính trong giới bóng đá vẫn thường rỉ tai nhau câu: “Có quen biết, có “nhờ vả” và có “xin xỏ”, xin “thông cảm” có điều kiện thì hay được cho qua bằng cách không ghi vào báo cáo. Mà không có báo cáo, không có ghi nhận của “tai mắt”, của “cánh tay nối dài” thì làm gì BKL có dữ liệu để xử khi câu nói muôn thủa từ ban này là trọng chứng hơn trọng cung”.
Cũng có ý kiến cho rằng trong khi các bộ phận khác đang cố đi vào guồng, đang cố thực hiện nghiêm các quy định mới thì những bộ phận được xem là tai mắt cũng cần phải thực hiện nghiêm và thực hiện đúng trách nhiệm. Có như thế BKL mới bớt bị tiếng oan là hễ cái gì báo chí phát hiện thì mới xử, còn cái gì đậy lại được thì cứ đậy.
Và hơn ai hết không chỉ ban tổ chức mà cả VFF cũng cần phải có hình thức chế tài thật gắt gao những giám sát hay “quên” và hay “sót”.