Sáng 21-4, tại UBND phường 27, quận Bình Thạnh (TP.HCM), từ sớm đã có rất đông người dân nghèo, người bán vé số… đến xếp hàng chờ nhận gạo. Mỗi phần quà gồm 3 kg gạo và sáu gói mì.
ATM gạo này được mở ra nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.
Người dân đến nhận gạo đều được hướng dẫn giữ đúng khoảng cách an toàn là 2 m. Ảnh: NY
Người dân trước khi vào khu vực chờ nhận gạo được rửa tay sát khuẩn và đo thân nhiệt. Những ai không đeo khẩu trang sẽ được tặng khẩu trang để đeo trước khi vào trong.
Theo ghi nhận, người dân đến nhận gạo được bố trí chỗ ngồi chờ nhận gạo theo giãn cách 2 m đúng quy định. Nhiều người bày tỏ niềm vui, xúc động khi nhận hỗ trợ từ các mạnh thường quân và chính quyền địa phương.
Bà Trần Ngọc Linh (76 tuổi), chia sẻ từ ngày nghỉ bán vé số, tiền bạc không có nhưng nhờ phường, nhà hảo tâm cho gạo ăn cũng đỡ đói.
"Lúc chưa dịch, nhờ đi bán vé số nên có đồng ra đồng vào để trả tiền ăn, tiền nhà. Giờ không bán được thì đói, thèm miếng thịt không có tiền mua ăn. May được giúp đỡ, ngoại mừng, có gạo nấu, có mì ăn mừng quá” - bà Linh xúc động.
Vừa nhận được gạo, bà Nguyễn Thị Hiền (57 tuổi), vui mừng chia sẻ: “Tôi đi giúp việc nhưng dạo này người ta không cho đến làm nữa, thấy phường phát gạo tôi xin được mấy ký. Tôi rất mừng, rất cảm ơn”.
Hiện có khoảng 5,2 tấn gạo tại ATM gạo để hỗ trợ người dân nghèo. Ảnh: NY
Chủ tịch UBND phường 27 cho hay hiện ATM gạo đang có khoảng 5,2 tấn gạo, đáp ứng được nhu cầu cho bà con và sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi hết nguồn tài trợ gạo.
Sáng cùng ngày, Hội Nhà báo TP.HCM cùng các doanh nghiệp cũng trao tặng ATM gạo tại đình Thông Tây hội, phường 11, quận Gò Vấp.
Tới nhận gạo, mọi người đều tuân thủ đeo khẩu trang cũng như ngồi cách nhau 2 m. Bên cạnh đó, ban tổ chức còn chuẩn bị sẵn nước rửa tay.
Mọi người đều rất trật từ khi chờ đến lượt mình lên nhận gạo. Ảnh: NQ
Dù tiết trời khá oi bức nhưng tất cả đều trật tự, không có cảnh chen lấn xô đẩy.
Ngồi chờ đến lượt lên nhận gạo, bà Nguyễn Thị Năm, sống tại phường 10, quận Gò Vấp, nói: “Mùa dịch tôi không làm gì ra tiền. Có nhiều hôm hết gạo phải uống nước lọc thay bữa. May hôm nay có phát gạo, tôi vui quá. Thế là trưa nay tôi có cơm để ăn rồi”.
Con mất sớm, bà Năm một mình bươn chải mưu sinh. Trước bà còn nấu hủ tiếu bán kiếm tiền tiêu qua ngày. Dịch bệnh phức tạp, mọi thứ tạm nghỉ, bà cũng nghỉ luôn từ đó, sống tạm bợ qua ngày.
Anh Nguyễn Văn Thắng xúc động vì lúc khó khăn nhận được sự hỗ trợ thiết thực từ mọi người. Ảnh: NQ
Biết tin nay có ATM gạo, anh Nguyễn Văn Thắng, làm việc tại xưởng hồ cũng chạy xe tới để mong nhận được hỗ trợ. Thấy anh khó khăn khi di chuyển, các anh dân phòng đã ngay lập tức lấy gạo cùng mì ra trao tận tay và buộc lên xe cho anh.
“Tôi mừng lắm vì mấy hôm nay hai vợ chồng đều ở nhà vì không có việc, tôi đang lo không biết sẽ sống như thế nào. Ai ngờ hôm nay vừa có gạo, lại có thêm mì, như thế cũng đỡ lo. Chỉ mong sớm hết dịch để chúng tôi có thể đi làm, tiếp tục lo cho cuộc sống” - anh Thắng nói.
Chị NT vui mừng khi nhận được gạo giữa mùa dịch. Ảnh: NQ
Ông Trương Thái Tân, Phó Chủ tịch UBND phường 11, quận Gò Vấp, cho biết giữa mùa dịch trên địa bàn phường đã thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ người dân. Tuy nhiên, hình thức thực hiện vẫn theo cách truyền thống. Hiện nay, nhờ các mạnh thường quân hỗ trợ máy ATM nên đã hỗ trợ người dân theo hình thức rất mới, rất thiết thực, kịp thời.
“Chúng tôi cảm ơn các nhà hảo tâm đã hỗ trợ cho phường có được cái máy ATM gạo và có những suất quà dành cho bà con giữa thời điểm khó khăn” - ông Tân bày tỏ.
ATM gạo sẽ hoạt động từ 9 giờ đến 15 giờ mỗi ngày. Tại buổi khai trương nhiều mạnh thường quân đã chở gạo tới hỗ trợ. Ảnh: NQ
Theo ông Tân, ATM gạo sẽ hoạt động từ 9 giờ đến 15 giờ mỗi ngày. “Trên tinh thần còn gạo vẫn còn phát cho người dân. Sáng nay ATM có khoảng 5 tấn gạo và 140 thùng mì gói. Với ATM gạo, mọi người dân nếu khó khăn đều có thể vào nhận quà" - ông Tân khẳng định.
Mỗi người nhận được gạo lẫn mì đều cảm thấy ấm lòng hơn giữa mùa dịch bệnh đầy khó khăn. Ảnh: NQ
Chia sẻ về việc trao tặng các ATM gạo, ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, cho hay khi có phát minh về ATM gạo đầu tiên ở quận Tân Phú, Hội thấy rằng nhu cầu để có những ATM gạo tình thương như thế rất lớn. Từ đó Hội Nhà báo TP.HCM vận động các nhà hảo tâm cùng đồng hành để tặng ba máy ATM gạo cho ba quận tập trung nhiều lao động nghèo là quận 8, Bình Thạnh và Gò Vấp.
“Trong ngày khai trương đã có rất nhiều nhà hảo tâm hỗ trợ gạo, mì, điều đó khiến chúng tôi rất vui. Hơn nữa, hôm nay là ngày tròn 70 năm thành lập Hội Nhà báo Việt Nam, hoạt động trên đã cho thấy tấm lòng của những người làm báo luôn hướng về người dân, chia sẻ những khó khăn với họ không chỉ bằng những bài viết mà còn bằng những hoạt động thiết thực phía sau mặt báo” - ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, việc mở thêm ATM gạo sẽ phụ thuộc vào tình hình dịch bệnh. Nếu dịch bệnh được kiểm soát tốt thì số lượng ATM gạo không cần nhiều, tránh lãng phí. Thay vào đó có thể kêu gọi các doanh nghiệp hỗ trợ thêm thực phẩm để ATM gạo hoạt động hiệu quả.
“Tôi cũng mong muốn người nghèo không chỉ nhận về 1-2 kg gạo mà có thêm thực phẩm thì càng tốt. Sáng nay ngoài gạo, có một doanh nghiệp còn hỗ trợ thêm mì tôm. Thực tế có nhiều doanh nghiệp cũng có ý tặng thêm nước mắm, bột nêm. Trước mắt sẽ là gạo để đảm bảo không ai bị đói trong mùa dịch, còn thêm thực phẩm nào nữa thì càng tốt hơn" - ông Dũng nói thêm.