“Hỏi xoáy, đáp xoay”

So với các đời thầy ngoại, ông Miura bị “xoáy” nhiều vì sự chọn lựa quá nhanh của VFF và vì bản lý lịch của ông chưa thật sự thuyết phục. “Niềm tin” duy nhất vào năng lực của HLV này chỉ là sự tiến cử của LĐBĐ Nhật.

Việc ông Miura bị hỏi “xoáy” dồn dập còn do sự chọn lựa lần này yếu tố chuyên môn ít được cân, đo, đong, đếm như các đời HLV trước. Và ông Miura đã được “đảm bảo” bởi phát biểu của Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng vốn cũng là người nêu quan điểm chọn thầy Nhật ngay từ ngày mới nhậm chức.

Phải thừa nhận rằng việc chọn thầy Nhật chịu ảnh hưởng bởi ông Lê Hùng Dũng rất nhiều. Ông Dũng định hướng, ông Dũng phán rồi mọi người chạy theo và ông Dũng quyết. Đấy cũng là nét mới của nhiệm kỳ VII khác rất xa so với các nhiệm kỳ trước là cái gì cũng đưa ra tập thể quyết rồi lỗi của tập thể tức chẳng cá nhân nào chịu lỗi cả.

Ông Dũng khi làm phó chủ tịch tài chính những nhiệm kỳ trước, ông làm được và “hét ra lửa” lẫn “khiển” cả chủ tịch VFF được là vì những quyết sách của ông và vì khả năng kiếm tiền của ông. Bây giờ ở vị trí chủ tịch ông cũng giữ nguyên phần “khẩu quyết” và sẵn sàng chịu trách nhiệm nếu sai.

Đó là sự dũng cảm nhưng ở một bộ máy như VFF thì điều đấy đang tồn tại những nỗi lo cho người đứng đầu mạnh mẽ dám làm, dám chịu. Đó là các bộ phận giúp việc hoặc tư vấn về chuyên môn lại quá yếu và quá mỏng nên “ông chủ” phải quyết tất.

Liệu đó có phải là nguyên nhân khiến ông Dũng “kết” bóng đá Nhật và trang bị cả một bộ máy toàn người Nhật từ trưởng giải đến HLV trưởng và sắp tới là một giám đốc điều hành?

Ông Dũng không đáp xoay nhưng trong ông đã có những xoay sở từ những phép tính của mình.

          NGUYỄN NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm