Ở thị trường Bắc Mỹ, mùa phim Hè vẫn luôn là mùa phim sinh lãi lớn của Hollywood. Tuy nhiên, năm nay một số bộ phim Hollywood được đầu tư hơn 150 triệu USD dàn dựng cuối cùng lại thất bại thảm hại, trong khi những bộ phim có kinh phí ít tốn kém hơn lại sinh lãi lớn.
Phát hành quá nhiều bom tấn cùng thời điểmTrong số những quả “bom tấn” trở thành “bom xịt” đầu tiên phải kể đến Trở về trái đất (After Earth). Được dàn dựng với kinh phí 130 triệu USD, tuy nhiên kể từ khi ra mắt vào ngày 1/5, đến nay phim mới chỉ thu về được 59 triệu USD ở thị trường Bắc Mỹ. Phim do ngôi sao Will Smith và con trai anh Jaden, thủ vai chính. Smith vẫn được coi là “vua” phim Hè bởi trước đây bất cứ dự án điện ảnh nào tung ra vào mùa phim Hè có anh thủ vai chính cũng đều gặt hái thành công doanh thu. Tuy nhiên, anh không lặp lại được kỳ tích của mình với phim After Earth và giới phê bình cho rằng Smith đã hết thời là “vua” phim Hè. Tiếp đó phải kể đến phim Giải cứu Nhà Trắng (White House Down). Đến nay phim này mới chỉ thu về được 68 triệu USD sau khi được đầu tư tới 150 triệu USD làm phim. Hay phim Kỵ sĩ cô độc (The Lone Ranger), chỉ thu về được 81 triệu USD mặc dù được đầu tư ở mức khủng: 250 triệu USD dàn dựng và có sự thủ diễn chính của ngôi sao Hollywood Johnny Depp. Gần đây hơn nữa, phim Trận chiến Thái Bình Dương (Pacific Rim) đã gây thất vọng lớn cho các nhà sản xuất. Với kinh phí làm phim 180 triệu USD, phim mới chỉ thu về được 72 triệu USD. Còn R.I.P.D., tốn kém 180 triệu USD dàn dựng, nhưng chỉ thu được vỏn vẹn 15 triệu USD trong dịp cuối tuần mở màn. Chất lượng phim tầm thườngCó thể thấy các ông chủ của nhiều hãng phim lớn ở Hollywood đã có một “cuộc chơi” buồn và các đạo diễn cựu trào là Steven Spielberg và George Lucas đã phải lên tiếng cảnh báo về sự nguy hại của mô hình phát hành phim như hiện nay. “Mô hình phát hành phim truyền thống đang bị thay đổi khi hiện nay cùng lúc có tới 3-4 hay thậm chí 6 phim bom tấn ra rạp cùng một lúc” – đạo diễn Spielberg nói. Bà Kathryn Arnold, một nhà sản xuất kiêm chuyên gia trong nền công nghiệp điện ảnh, nói rằng thất bại này một phần là do chất lượng tầm thường của một loạt phim bom tấn mới đây. “Các hãng phim muốn chinh phục được khán giả toàn cầu và họ tin rằng để thu hút được những đối tượng khán giả không nói tiếng Anh thì cần phải đơn giản hóa cách kể chuyện và ‘nhồi’ thêm nhiều cảnh hành động. Nhưng khán giả ngày càng tinh tế hơn và họ có nhiều lựa chọn hơn. Do vậy, các hãng phim nhất thiết không nên thay đổi cách kể chuyện khi làm những bộ phim có kinh phí lớn” – bà Arnold nói. Bà Arnold đưa ra 3 ví dụ là phim Quá nhanh quá nguy hiểm 6 (Fast and Furious), Thế chiến Z (World War Z) và Người Sắt 3 (Iron Man 3), tất cả đều thắng lớn tại phòng vé. “Khi hãng phim làm một bộ phim kinh phí lớn có câu chuyện hay hoặc thú vị như Thế chiến Z, thu hút được khán giả nhờ yếu tố mới lạ, khác biệt, bộ phim đó sẽ thành công” - bà Arnold khẳng định. Có nên làm phần tiếp theo sau khi thất bại?Tuy nhiên, các chuyên gia đặt vấn đề liệu các hãng phim có nên tiếp tục tung ra các tập phim tiếp theo sau khi đã thất bại? Nhà phân tích doanh thu phòng vé Jeff Bock cho rằng: “Mặc dù phim Trở về trái đất, Kỵ sĩ cô độc, Giải cứu Nhà Trắng, Trận chiến Thái Bình Dương và giờ đây là Đồn cảnh sát ma (RIPD) đã thất bại trong mùa Hè này, song phim bom tấn vẫn là yếu tố thu hút khán giả. Cho dù các tập phim đầu đã có màn trình diễn tồi, các hãng phim Hollywood chắc chắn sẽ vẫn tiếp tục sản xuất những tập tiếp theo nhằm củng cố tài chính cũng như danh tiếng của mình”. Song bà Arnold lại không đồng tình với quan điểm của ông Bock. Theo bà, các ông chủ hãng phim nên đúc kết kinh nghiệm từ một loạt phim thất bại. “Các hãng phim nên dừng sản xuất sau khi đã gặp thất bại, đặc biệt là khi nhìn vào thành công của những bộ phim như Vũ điệu trai nhảy (Magic Mike), Tình yêu tìm lại (Silver Linings Playbook), Siêu trộm ú ù (Identity Thief) và Cuộc chiến nảy lửa (The Heat). Tất cả các dự án điện ảnh này đều được sản xuất với kinh phí chưa đến 50 triệu USD, có sự tham gia của các tài năng, có các câu chuyện hay kết nối được với khán giả” - bà nói. Còn ông Jason Blum, nhà sản xuất của các phim kinh dị Paranormal Activity, Insidious và Sinister, nói: “Khi làm phim, bạn phải có khả năng phán đoán liệu bộ phim đó có ý nghĩa và thu được lãi hay không. Nhiều bộ phim tốn kém chưa đầy 5 triệu USD, song nó đã thu về được tiền lãi cao gấp 10, 20 và thậm chí tới 40 so với kinh phí bỏ ra. Khi gặt hái thành công, nhiều người nói rằng họ sẽ làm những bộ phim có kinh phí lớn. Song bạn phải nhìn thấy rõ một điều rằng ngay từ lúc bắt đầu đổ tiền tấn cho một dự án điện ảnh, bạn sẽ không thể liều được nữa. Trong khi đó với những bộ phim có kinh phí thấp, bạn vẫn có thể tha hồ phiêu lưu với những ý tưởng của mình”.
Theo Việt Lâm (TTVH/ AFP)