Công văn nêu rõ các đơn vị lập văn bản đề nghị UBND huyện cho chủ trương để Trưởng phòng Giáo dục huyện tự hợp đồng với lao động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Các trường phải giải quyết chế độ tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp cho giáo viên, nhân viên bị cắt hợp đồng.
Bà Nguyễn Thị Tường Vân, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo Kỳ Anh cho biết, toàn huyện có hơn 200 giáo viên (chủ yếu là tiểu học và trung học cơ sở) bị cắt hợp đồng. Việc này là thực hiện theo công văn chỉ đạo của Sở Nội vụ.
“Những trường hợp này cuối tháng 5 sẽ phải chấm dứt hợp đồng hoàn toàn. Ở Kỳ Anh có nhiều người đã ký hợp đồng với huyện 7-8 năm, có người thì 2-3 năm. Họ đều được tuyển từ nhu cầu bên dưới, không qua xét tuyển, trong khi đó tỉnh thì yêu cầu hợp đồng phải có chỉ tiêu từ tỉnh và qua xét hồ sơ”, bà Vân nói.
Phó trưởng phòng Giáo dục thông tin thêm, việc này cũng có phần thiệt thòi đối với các thầy cô và sẽ khiến các trường học trong toàn huyện Kỳ Anh thiếu nhân sự. Phòng cũng muốn hợp đồng trở lại với họ, nhưng tỉnh lại không cho phép, trong khi đó nguồn ngân sách của huyện lại không có để bù vào.
“Hiện giờ huyện Kỳ Anh đang chia tách huyện, nên phòng chưa thể đưa ra được phương án gì. Sau 3 tháng hè, khi chia tách xong địa giới hành chính sẽ có sự bàn bạc, lập kế hoạch xem các trường thiếu bao nhiêu chỉ tiêu rồi mới trình tỉnh cho phương án đối với các giáo viên vừa bị chấm dứt hợp đồng. Dẫu sao họ cũng có kinh nghiệm và thâm niên công tác”, vị Phó trưởng phòng cho hay.
Việc phải nghỉ dạy đột ngột khiến rất nhiều giáo viên bức xúc.Nữ giáo viên tên Ánh công tác tại trường Tiểu học Kỳ Tiến chia sẻ: “Năm 2012 tôi ký hợp đồng vô thời hạn với huyện. Sau đó một năm, họ chuyển xuống thành hợp đồng 3 năm, thời hạn tới tháng 9/2016 mới hết, giờ lại chấm dứt hoàn toàn. Chúng tôi rất lo lắng cho tương lai vì huyện không hứa hẹn gì khi chấm dứt hợp đồng”.
Một lãnh đạo của trường Tiểu học Kỳ Xuân chia sẻ, trường rất thông cảm với các đồng nghiệp, nhưng lực bất tòng tâm. Vì khi huyện cắt hợp đồng thì sẽ không chuyển ngân sách về cho trường. Như vậy trường không có tiền trả lương cho những giáo viên hợp đồng, muốn giữ lại họ cũng khó.
Trao đổi với báo chí, ông Trần Huy Liệu, Phó giám đốc Sở Nội vụ Hà Tĩnh lý giải, việc ra công văn này là thực hiện theo chỉ đạo của UBND tỉnh về việc đẩy mạnh phòng chống tiêu cực trong công tác quản lý công chức, viên chức và thi đua khen thưởng. Quyết định ban hành đối với tất cả cơ quan trên toàn tỉnh, không chỉ ngành giáo dục. Việc ra văn bản đối với riêng huyện Kỳ Anh là vì họ đề nghị, bởi huyện này sắp chia tách đơn vị hành chính.
“Huyện Kỳ Anh có 28 cán bộ hợp đồng, còn giáo viên thì rất nhiều. Từ trước tới nay tỉnh chưa bao giờ hợp đồng đối với các lao động trong khối cơ quan hành chính. Các đơn vị phải có trách nhiệm xử lý hợp đồng cho các lao động. Đối với những người chưa hết hợp đồng nhưng trong diện bắt buộc cắt thì phải bồi thường cho họ theo quy định của luật lao động chứ không được bổ nhiệm vào vị trí khác”, ông Liệu nói.
Theo Đức Hùng (Vnexpress)