UBND TP.HCM vừa gửi hồ sơ Dự án “Cải tạo hệ thống cống thoát nước bằng công nghệ không đào hở” (gọi tắt sửa cống không đào đường) cho Bộ KH&ĐT thẩm định để trình Thủ tướng xem xét, quyết định chủ trương đầu tư.
Theo báo cáo của UBND TP, dự án “sửa cống không đào đường” dự kiến thực hiện trong giai đoạn 2017-2020 với tổng vốn đầu tư hơn 323 tỉ đồng.
Trong đó, Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tài trợ vốn ODA không hoàn lại với số tiền 300 tỉ đồng. Vốn đối ứng của TP.HCM hơn 23 tỉ đồng.
Một đoạn cống cũ ở TP.HCM được sửa chữa bằng công nghệ không đào đường (Ảnh: JICA)
UBND TP cho biết phương án sửa cống không đào đường có nhiều ưu điểm như không đào xới, không chiếm diện tích mặt đường, đường phố vẫn được sử dụng bình thường trong thời gian thi công…
Dự án nhằm sửa chữa hệ thống cống thoát nước hư hỏng ở khu vực trung tâm TP.HCM với tổng chiều dài hơn 4.000 m. Khu vực được ưu tiên thực hiện là quận 1 và quận 3.
“Dự án cải tạo, phục hồi hệ thống cống thoát nước cũ ở khu vực trung tâm TP để giảm các sự cố liên quan đến cống thoát nước như tình trạng oằn lún mặt đường, bảo đảm an toàn giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, góp phần phát triển kinh tế…” - UBND TP đề cập.
Nhiều tuyến cống ở TP.HCM xuống cấp, cần sửa chữa. Ảnh: TN.ĐT
Trung tâm Chống ngập TP.HCM cho biết công nghệ sửa cống không đào đường được gọi tắt là SPR. Đây là phương pháp đưa những cuộn lá thép xuống lòng cống quấn thành hình tròn hoặc vuông ôm sát theo thành cống hiện hữu. Thiết bị xuống cống từ hố ga, không cần phải đào đường.
Với phương thức thi công trên, những lá thép có ngàm được kết nối với nhau tạo thành một lớp phủ bên trong ống. Các vị trí còn hở giữa lớp thép và thành cống hiện hữu được bơm thêm hỗn hợp hóa chất kết dính vào để phục hồi đường cống, tăng khả năng chịu lực, chống rò rỉ…
Trong năm 2015, phía Nhật Bản đã tổ chức thi công thử nghiệm sửa chữa một đoạn cống hư hỏng ở đường Cống Quỳnh, quận 1. Công trình thử nghiệm này được Trung tâm Chống ngập đánh giá đạt hiệu quả cao.