Chủ trì buổi họp báo, bà Lê Thị Tuyết Hạnh, Phó Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Nam, thông tin lại những nội dung liên quan đến dự án Nhà máy thép Việt Pháp cũng như việc di dời nhà máy này từ huyện Điện Bàn lên thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Nam Giang, Quảng Nam).
Theo bà Hạnh, ngày 28-9, Sở TN&MT đã tổ chức thẩm định báo cáo dự án trên và đã mời một số chuyên gia giàu kinh nghiệm tham gia thẩm định về việc di dời nhà máy lên huyện Nam Giang. Quá trình thẩm định hầu hết thành viên thông qua nhưng cần chỉnh sửa, bổ sung để hoàn thiện.
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Ông Đinh Phú Tân, đại diện Nhà máy thép Việt Pháp, cho biết căn cứ theo quyết định của UBND thì diện tích nhà máy là 17,3 ha tại thôn Hoa (thị trấn Thạnh Mỹ, Nam Giang), cách thượng nguồn sông Vu Gia 5 km.
Nguyên liệu chủ yếu là sắt thép phế liệu đã qua sử dụng như Nhật Bản, Mỹ theo tiêu chuẩn nhập khẩu Việt Nam được kiểm định nghiêm ngặt. Sau đó sẽ được xử lý bằng phương pháp cắt gọt để đưa vào lò nấu thép cảm ứng điện theo lò điện trung tần. Quy trình này tiêu hao điện năng thấp, lượng xỉ nhỏ, tiếng ồn hạn chế...
Liên quan đến lo ngại của vấn đề người dân phản ứng về ô nhiễm khi nhà máy thép đưa vào hoạt đông, TS Huỳnh Ngọc Thạch cho hay liên quan về vấn đề môi trường thì chủ yếu là bụi và phế thải. Còn tiếng ồn thì phát sinh trong quá trình vận chuyển nên người dân phản ánh.
Về công nghệ của nhà máy này là ở mức trung bình khá, muốn tiên tiến nữa thì phải tăng mức đầu tư. “Chúng ta lo lắng là đúng vì không có dự án nào mà hoàn toàn không có ô nhiễm. Riêng Nhà máy Việt Pháp không dùng than củi mà dùng điện vào ban đêm để giảm tải cho ngành điện. “Dời nhà máy lên Nam Giang là tính bền vững cho ngành sắt thép. Dự án nào mà không gây ô nhiễm là không thực tế. Người dân phản đối tức là có ảnh hưởng. Nhưng ảnh hưởng thế nào thì chúng ta phải xem xét” - TS Thạch nói.
Ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam, thông tin liên quan đến nhà máy thép. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Trả lời các câu hỏi liên quan đến việc di dời nhà máy lên địa bàn Nam Giang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho hay đến bây giờ chưa có chủ trương nào cho khai thác quặng cả. Nhà máy này không sử dụng quặng.
Khi sản xuất vào ban đêm thì có ảnh hưởng đến người dân. Sau đó tỉnh xem xét phương án di dời nhà máy thép nói trên. Hiện nay tinh thần Quảng Nam là đồng hành cùng doanh nghiệp nhưng phải đảm bảo quy định. Tỉnh phải xem xét, rà soát tất cả. Di dời đi đâu phải xem xét, đánh giá. Khi tới hội đồng có được chấp thuận hay không, đây chỉ là cơ sở để phía tỉnh Quảng Nam xem xét rồi mới quyết định được.
Về câu hỏi phản ứng của người dân như thế nào nếu việc di dời nhà máy thép lên tại địa điểm thôn Hoa, ông A Viết Sơn (Phó Chủ tịch huyện Nam Giang) cho hay chúng tôi thừa hiểu rằng bộ mặt kinh tế huyện còn thua kém xa so với các địa bàn khác, vì vậy muốn phát triển phải có đầu tư vào. Tháng 7-2016, Công ty Việt Pháp có lên đặt vấn đề về việc đặt nhà máy thép. Sau đó, phía huyện đã có cuộc họp để nghe công ty báo cáo. Nhiều người đồng ý nhưng nhiều người còn phân vân. Tuy nhiên, sau đó phía lãnh đạo đồng ý và làm tờ trình lên Tỉnh ủy.
Phía chính quyền cũng tổ chức họp dân ở khu vực liên quan và người dân chỉ quan tâm đến vấn đề là giải tỏa bồi thường như thế nào và vấn đề tái định cư có ổn định hay không. Ngoài ra, người dân còn phản ánh về việc đất sản xuất gần nhà máy có được sử dụng để sản xuất hay không chứ chưa phản ánh gì về việc ô nhiễm.
Bà Võ Thị Hạnh, Giám đốc Công ty Việt Pháp, phát biểu tại buổi họp. Ảnh: HUY TRƯỜNG
Trước những câu hỏi của báo chí về lo ngại ô nhiễm môi trường khi đặt nhà máy tại thôn Hoa, bà Võ Thị Hạnh, Giám đốc Công ty Thép Việt Pháp, luôn khẳng định rằng việc sản xuất của nhà máy thép là đạt chuẩn về môi trường.
Thời gian qua, chúng tôi thực hiện đầy đủ các quy định về môi trường. Chúng tôi muốn di dời lên Nam Giang để tiếp tục phát triển và tránh xa bớt khu dân cư. Còn nếu dân phản ứng về ô nhiễm thì chúng tôi phải là người chịu ảnh hưởng đầu tiên, nếu ảnh hưởng về sức khỏe thì chúng tôi sẽ không đầu tư vào làm gì.