Theo dữ liệu ghi lại trong hộp đen, một tình huống đột ngột đã xảy ra trong khoang và làm tổ lái ngạc nhiên đến nỗi họ không có thì giờ phát tín hiệu báo động. Nguồn tin này cho biết các chuyên viên không tìm thấy va chạm từ bên ngoài đối với các mảnh vỡ thân máy bay. Trong khi đó, các chuyên viên tại hiện trường đã tìm thấy nhiều vật không phải là mảnh vỡ máy bay và đã gửi đi giám định.
Tại Mỹ hôm 2-11 (giờ địa phương), đài truyền hình CBS News đưa tin vệ tinh hồng ngoại Mỹ đã dò thấy tia chớp nhiệt trên bán đảo Sinai đúng lúc máy bay Nga rơi. Như vậy có thể đã xảy ra nổ bình nhiên liệu, nổ động cơ hoặc nổ bom trên máy bay.
Trung tâm nghiên cứu Stratfor bác bỏ thông tin khủng bố Nhà nước Hồi giáo bắn rơi máy bay bằng tên lửa hay máy bay gặp trục trặc kỹ thuật. Theo trung tâm này, giả thiết đáng tin cậy nhất là bom nổ trên máy bay.
Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định không có bất kỳ thông tin nào cho thấy Nhà nước Hồi giáo bắn rơi máy bay. Giám đốc cơ quan tình báo James Clapper cũng như Giám đốc Trung tâm quốc gia chống khủng bố Mỹ Nicholas Rasmussen đều nhận định hiện thời không có dấu hiệu cho thấy máy bay Nga rơi do yếu tố khủng bố.
Ngày 3-11, trả lời hãng tin BBC (Anh), Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah el-Sissi đã tố cáo Nhà nước Hồi giáo tuyên truyền sai lệch. AFP nhận định dù Nhà nước Hồi giáo có liên can đến tai nạn máy bay Nga hay không thì chúng cũng có lợi trong tai nạn thảm khốc này.
GS Fawaz Gerges ở Học viện Kinh tế và Chính trị London (Anh) đánh giá: Điều chúng thành công là tạo ra kịch bản xảy đến cho máy bay để chứng tỏ chúng có khả năng làm được và có thể ra tay báo thù đối với các kẻ thù, đặc biệt là Nga. Chúng cũng muốn đe dọa chúng có thể tác động trực tiếp đến ngành công nghiệp du lịch.