Hợp tác và cạnh tranh Mỹ - Trung ở Nam Thái Bình Dương

(PLO)- Nam Thái Bình Dương nổi lên như một đấu trường mới trong cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung, song nhiều ý kiến phân tích rằng hai bên vẫn có thể hợp tác ở nhiều lĩnh vực quan trọng.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Khu vực Nam Thái Bình Dương (TBD) đang có dấu hiệu trở thành một đấu trường mới trong cuộc cạnh tranh giữa một bên là Trung Quốc (TQ) và một bên là Mỹ và đồng minh.

Cả Mỹ và TQ đều đang gia tăng sự hiện diện và ảnh hưởng của mình ở khu vực Nam TBD thông qua việc sử dụng các công cụ quyền lực mềm như ngoại giao nhà nước, ngoại giao nhân dân, ngoại giao quân sự, hỗ trợ nước ngoài, thương mại và đầu tư toàn cầu, và các quỹ chính phủ.

Tuy nhiên, không chỉ cạnh tranh, hai bên vẫn có thể hợp tác ở một số lĩnh vực quan trọng mà cả hai có lợi ích chung, TS Nong Hong, Giám đốc Viện nghiên cứu Mỹ - Trung có trụ sở tại bang Washington (Mỹ), nhận định trong bài viết trên trang Think China.

Thủ đô Honiara của quần đảo Solomon. Ảnh: GILMORE TANA/ISTOCKPHOTO

Thủ đô Honiara của quần đảo Solomon. Ảnh: GILMORE TANA/ISTOCKPHOTO

Cạnh tranh, đọ sức

Dễ nhận ra nhất về sự cạnh tranh Mỹ - Trung ở TBD là về địa chính trị. Một vấn đề được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây là thỏa thuận an ninh mà TQ ký kết với quần đảo Solomon hồi tháng 4. Trong bài viết trên tờ South China Morning Post, ông Lucio Blanco Pitlo III, chuyên gia tại Quỹ Con đường tiến bộ châu Á - TBD, nhận định nếu việc hợp tác an ninh và kinh tế giữa quần đảo Solomon và TQ mang lại sự ổn định và thịnh vượng cho quần đảo, thông điệp này sẽ lan ra khắp TBD. Các quốc gia khác như Papua New Guinea, Vanuatu và Kiribati cũng có thể sẽ hướng đến các thỏa thuận tiếp cận tương tự với TQ.

Trước mắt, thỏa thuận này đã làm dấy lên quan ngại ở phương Tây về khả năng Bắc Kinh có thể sẽ thiết lập các cơ sở quân sự thường trực tại khu vực, dù cả TQ và quần đảo Solomon đều phủ nhận điều này.

Một trong những vấn đề gây xung đột lợi ích lớn nữa giữa Mỹ và TQ ở Nam TBD liên quan đến vấn đề Đài Loan. Các nước trong khu vực như Palau, Papua New Guinea, Fiji đối mặt với áp lực từ Bắc Kinh về quan hệ của mình với Đài Loan. Gần đây nhất, tháng 9-2019, quần đảo Solomon đã chuyển từ công nhận ngoại giao Đài Bắc sang ngoại giao với Bắc Kinh. Phó tổng thống Mỹ khi đó là ông Mike Pence được cho là đã từ chối gặp lãnh đạo quần đảo Solomon sau khi quốc đảo này thiết lập quan hệ chính thức với TQ.

Song song cạnh tranh, vẫn có nhiều lĩnh vực cho thấy sự hội tụ lợi ích và giàu tiềm năng hợp tác giữa Mỹ và TQ ở Nam TBD.

Nếu thỏa thuận an ninh giữa TQ với quần đảo Solomon mang lại lợi ích cho Solomon thì thực tế này sẽ tác động lớn đến các đối tác ngoại giao còn lại của Đài Loan như quần đảo Marshall, Nauru và Tuvalu, theo chuyên gia Blanco Pitlo III.

Kinh tế cũng là một lĩnh vực cạnh tranh lợi ích giữa Mỹ và TQ tại Nam TBD. Du lịch TQ dần trở thành một nguồn thu quan trọng của các đảo quốc TBD. Ngày càng nhiều người nhập cư TQ đến các nước Nam TBD, làm dấy lên lo ngại về việc TQ can dự vào chính trị các nước này thông qua xây dựng mối liên kết kinh tế với các lực lượng thân TQ trong nước.

Trong bài viết trên tờ China-US Focus, ông Chen Zinan - chuyên gia tại Học viện Quan hệ quốc tế đương đại TQ lưu ý rằng Mỹ đang đề phòng chiến lược ngoại giao vaccine của TQ bằng cách tăng nhân sự và tài trợ cho các quốc gia liên quan thông qua các cơ quan như Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID). Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đã cam kết tài trợ vaccine cho các nước trong khu vực mà không có ràng buộc nào.

Tương lai của Nam TBD sẽ được xác định thông qua các chính sách Bắc Kinh và Washington thực hiện và các cam kết của hai nước này với các bên liên quan cả trong và ngoài khu vực.

TS NONG HONG

Vẫn có nhiều cơ hội hợp tác

Song song cạnh tranh, vẫn có nhiều lĩnh vực cho thấy sự hội tụ lợi ích và giàu tiềm năng hợp tác giữa Mỹ và TQ ở Nam TBD.

Biến đổi khí hậu là một trong những vấn đề chính trị, kinh tế và môi trường cấp bách nhất của thời đại. Các quốc đảo TBD đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi tác động của biến đổi khí hậu do mực nước biển dâng cao và nguồn cá suy giảm.

Các hành động của Mỹ và TQ, hai nguồn thải carbon lớn nhất thế giới, do đó sẽ có tác động to lớn đến Nam TBD. Cả Mỹ và TQ đều có thể thiệt hại về mặt kinh tế nếu tác động của biến đổi khí hậu trở nên tồi tệ hơn trong khu vực này. Giới chuyên gia hai nước đều đã đề cập rất nhiều về tiềm năng hợp tác của hai bên trong vấn đề này.

Cứu trợ thiên tai có thể là một lĩnh vực hợp tác khác giữa Mỹ và TQ ở Nam TBD. Các quốc đảo TBD đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi các thảm họa hàng hải như sóng thần và bão. Với tư cách là những nhà cung cấp viện trợ lớn cho khu vực, TQ và Mỹ cam kết hỗ trợ các nước này xây dựng năng lực cứu trợ thiên tai. Hơn nữa, hai nước đã có nhiều cuộc diễn tập tìm kiếm, cứu nạn hàng hải chung và có thể xem xét tập trung vào các nỗ lực chung khác ở khu vực.

Phát triển khu vực cũng là một lĩnh vực mà Mỹ và TQ có thể tìm thấy điểm chung. Các quốc gia Nam TBD, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, có tài nguyên rừng và biển tự nhiên phong phú nhưng thiếu kinh phí và công nghệ để phát triển chúng hơn nữa. Cả TQ và Mỹ đều cam kết thúc đẩy hợp tác với các nước Nam TBD nhằm tăng cường thương mại song phương và phát triển cơ sở hạ tầng cũng như nghiên cứu khoa học trong khu vực.

Có thể nói Nam TBD đang nổi lên như một đấu trường cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung, trong khi đó hoạt động của hai nước trên một số lĩnh vực cũng cho thấy mô hình hợp tác có thể mang lại lợi ích cho các quốc gia trong khu vực. Theo TS Nong Hong, khó có thể đoán trước được liệu cạnh tranh hay hợp tác sẽ thúc đẩy sự phát triển trong tương lai của Nam TBD hay liệu hai hiện tượng này có thể cùng tồn tại hay không.•

Mỹ tích cực “tranh thủ” các nước Nam Thái Bình Dương

Theo tờ Thời báo Hoàn Cầu, vào tháng 3, chính phủ Mỹ bổ nhiệm ông Joseph Yun - từng là đặc phái viên về Triều Tiên dưới thời các cựu tổng thống Barack Obama và Donald Trump - dẫn đầu các cuộc đàm phán với ba quốc đảo TBD, gồm quần đảo Marshall, Liên bang Micronesia và Palau, nhằm thúc đẩy gia hạn các thỏa thuận an ninh sắp hết hạn trong vài năm tới.

Theo các thỏa thuận, Mỹ sẽ cung cấp hỗ trợ kinh tế cho ba nước. Đổi lại, ba đảo quốc TBD phải cho phép Mỹ đóng quân tại lãnh thổ của họ.

Gần đây, vào ngày 2-5, điều phối viên Ấn Độ Dương - TBD thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Kurt Campell cho biết Washington có kế hoạch mời các nhà lãnh đạo của các đảo quốc TBD đến Nhà Trắng vào cuối năm nay. Theo ông, động thái này nhằm mục đích tăng cường quan hệ ngoại giao với các nước trong khu vực, hãng tin Reuters đưa tin.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm