Năm 2009, đánh dấu bước ngoặt lớn trong sự nghiệp của Khánh Thi. Sau khi chia tay bạn nhảy lâu năm Chí Anh, cô đã quyết định một mình vào TP.HCM lập nghiệp. Nhận thấy tiềm năng phát triển của Dance Sport ở mảnh đất năng động này, Khánh Thi đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội mở ngay một trung tâm dạy Dance Sport. CLB Dance Sport Khánh Thi tọa lạc trong khuôn viên SVĐ Hoa Lư ra đời nhanh chóng một cách tự nhiên như thế, như Khánh Thi thừa nhận: “Tôi chỉ mất có 4 ngày để đi đến quyết định này và 7 ngày sau khi hoàn thành xong các thủ tục, khóa học đầu tiên đã ra đời. Tiền đầu tư cho CLB ban đầu tất cả vay từ bạn bè, cũng may nhờ danh tiếng Dance Sport trước đó, bản thân tôi cũng gặp thuận lợi hơn trong việc thu hút các học viên”.
Đã kinh doanh ai cũng tính đến chuyện lời lỗ, nhưng với mong muốn nhân rộng phong trào Dance Sport, Khánh Thi đã chấp nhận tính đến những bước đi dài hơi. Sau khi đã hoàn vốn từ trung tâm đầu tiên và tìm được một không gian rộng rãi, Khánh Thi và bạn bè đã quyết định lập ra trung tâm dạy nhảy chuyên nghiệp D-Talk vào tháng 4/2010 tại chung cư Miếu Nổi, Phú Nhuận. Đây là nơi dành cho mọi đối tượng phát triển kỹ năng hình thể của mình, từ Dance Sport đến múa, khiêu vũ, yoga.
“Giữ chân khách hàng bằng niềm đam mê và sự chuyên nghiệp”, đó là Slogan của D-Talk, đồng thời cũng là phương châm làm việc của Khánh Thi. Cô đã trang bị rất nhiều trang thiết bị hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế, tuyển chọn đội ngũ giảng viên kỹ càng, có chuyên môn cao cả trong và ngoài nước để có thể truyền tải tốt nhất đến các học viên, với nhiều hình thức học hết sức đa dạng. Nhờ đó số lượng học viên đến 3 trung tâm của Khánh Thi ngày càng đông đảo, lên đến cả nghìn người từ những bạn trẻ, người già cho đến các em thiếu nhi…
“Dance Sport Việt Nam rất có tiềm năng phát triển, ngang bằng với các nước trong khu vực như Thái Lan, Indonesia. Chỉ có điều các VĐV Việt Nam hiện nay không có được những “thầy” giỏi để hướng dẫn, uốn nắn. Đó là điều rất thiệt thòi nếu các VĐV Dance Sport Việt Nam khi ra thi đấu tại những sân chơi lớn”, Khánh Thi tâm sự
Khánh Thi dẫn chứng từ bản thân cho ý kiến của mình. Dù đã từng học múa chính quy 8 năm lại có thêm 5 năm kinh nghiệm đi học Dance Sport tại Pháp, nhưng để chuẩn bị cho Asian Indoor Games III năm 2009, cô và bạn nhảy Phan Hiển phải thuê rất nhiều chuyên gia từ Châu Âu sang trực tiếp giảng dạy, ròng rã trong hơn 5 tháng trời mới có được tấm HCV. Chi phí cho tấm HCV quý giá đó lên đến trên 50.000 euro. Bù lại phần thưởng mà cô nhận được chỉ có hơn 100 triệu đồng. Trong khi đó, Hà Nội cũng “cắt” luôn phần thưởng của cô bởi việc “tự ý” bỏ vào TP.HCM.
Lấn sân sang nghệ thuật
Khánh thi luôn làm mọi người bất ngờ với những bước đi táo bạo của mình. Sau khi từ giã sàn đấu, chuyên tâm vào quản lý, đào tạo các VĐV Dance Sport, Khánh Thi bắt đầu lấn sân sang lĩnh vực nghệ thuật dù năm nay cô đã gần 30 tuổi. Với Khánh Thi, tuổi tác không có gì là quan trọng, cũng chẳng có gì là muộn màng bởi với cô mọi việc làm đều xuất phát từ sở thích. Cuối năm nay cô sẽ cho ra đời album đầu tay ở cương vị của một ca sỹ. Nó sẽ không theo một dòng nhạc cụ thể nào nhưng phải phù hợp với thế mạnh khiêu vũ, dancing của mình: “Tôi thích hát từ bé nhưng giờ mới đúng thời điểm thích hợp để chuyển qua ca hát chuyên nghiệp. Tôi làm mọi thứ vì sở thích, không quan tâm đến việc sớm hay muộn hay ảnh hưởng của một ai đó. Tôi không nghĩ mình sẽ làm được gì hay thành công ở lĩnh vực mới mà đơn giản làm mọi thứ mình thích một cách chuyên nghiệp nhất…”, Khánh Thi nói.