Riêng phần dân sự, tòa hủy toàn bộ giao hồ sơ về cho cấp sơ thẩm giải quyết lại. Cạnh đó, tòa cho biết sẽ kiến nghị bằng văn bản gửi cho cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm để xem xét vai trò đồng phạm của HTTH (em ruột bị cáo) do có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm.
Đây đã lần thứ tư phiên xử phúc thẩm được mở lại. Sau khi TAND TP.HCM xử sơ thẩm hồi tháng 4, bị cáo kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt, nạn nhân và những người liên quan kháng cáo về phần dân sự. Đến ngày 16-10 (sau khi phiên phúc thẩm lần thứ ba bị hoãn), bị cáo rút đơn kháng cáo. Tại phiên xử hôm qua, bị cáo lại nói sau đó kháng cáo lại nhưng tòa không chấp nhận vì không có cơ sở.
Tại phiên xử hôm qua, tòa nhận định số thiệt hại chưa được xác định rõ ràng. Cạnh đó, việc cấp sơ thẩm buộc người liên quan nộp lại tiền giao cho người bị hại là trái quy định, trong khi trách nhiệm bồi thường trực tiếp là của bị cáo. Cấp sơ thẩm không xem xét các hợp đồng giữa bị cáo, em bị cáo và người liên quan có hợp pháp không là chưa bảo vệ quyền lợi chính đáng của người liên quan…
Bị cáo Quyên tại phiên tòa. Ảnh: H.YẾN
Theo hồ sơ, tháng 6-2010, bà Đặng Thị Liên (giám đốc Công ty TNHH PM) thông qua một người bạn quen biết với Quyên. Quyên giới thiệu mình chuyên kinh doanh nông sản, có mối quan hệ rộng, có nhiều mối làm ăn lớn với các đại gia và đề nghị bà Liên hùn vốn hợp tác. Tháng 7-2010, bà Liên chuyển cho Quyên 920 triệu đồng. Một tháng sau, Quyên chuyển lại số tiền trên kèm 67 triệu đồng là “tiền lời từ việc kinh doanh nông sản”.
Sau đó, dù không nhập khẩu nông sản, không hợp tác với một số tập đoàn danh tiếng tại Việt Nam nhưng Quyên vẫn đến tận nhà bà Liên mời mọc làm hợp đồng kinh doanh. Tin vào việc hùn vốn, trả lãi, thanh toán sòng phẳng của Quyên trước đó, bà Liên đã nhiều lần chuyển khoản cho Quyên tổng cộng gần 12 tỉ đồng. Lấy tiền, Quyên mua nhà, đất nền, đất trồng cao su ở Đồng Nai và trả nợ cá nhân. Lâu dài thấy Quyên có dấu hiệu lừa đảo, bà Liên đã làm đơn tố cáo gửi Bộ Công an.
HOÀNG YẾN