Huỳnh Tấn Mẫm - Một đời sôi nổi

Ông Huỳnh Tấn Mẫm - Ảnh: T.Đ
Ông Huỳnh Tấn Mẫm - Ảnh: T.Đ

Ông nội của anh là cụ Trần Văn Khá do tiếp tế lương thực vũ khí cho Việt Minh, bị Tây phát hiện đập chết tại chỗ bằng một khúc gỗ lớn. Cha anh là ông Trần Văn Đặng cũng bị lính Tây đánh dập phổi, chết để lại sáu người con, Mẫm là con áp út mới lên bốn tuổi.

Lúc ấy mẹ anh mới 33 tuổi, có nhan sắc, nên nhiều người trong vùng đeo đuổi, nhưng bà đã từ chối, cạo đầu xuống tóc tu tại gia, và cùng bốn người chị lớn của Mẫm đi làm thuê cấy mướn để chạy gạo từng ngày cho bảy miệng ăn. Mẹ Mẫm xin cho con vào học tại trường duy nhất dạy trẻ chăn trâu miễn phí, ở ngoại ô Sài Gòn.

Mẫm vừa chăn bò, vừa học bài ngoài ruộng, lấy que tre vạch lên mặt đất để làm toán. Cậu học trò nghèo ấy đã bước vào trường Pétrus Ký nổi tiếng để đọ sức với 5.000 thí sinh trong kỳ thi trung học. Kết quả, Mẫm đậu hạng 7/200 thí sinh trúng tuyển, nằm trong số 10 học sinh giỏi nhất Sài Gòn thời ấy. Chính ở trường Pétrus Ký, Mẫm bắt đầu hoạt động cách mạng năm 15 tuổi trong một tổ tam tam (ba người) bí mật.

Năm 1963, Mẫm thi đậu cả hai trường y khoa và dược khoa, tiếp tục đấu tranh chống Mỹ và chế độ Sài Gòn, được bầu làm Chủ tịch Ban đại diện sinh viên y khoa, Chủ tịch Ban đại diện sinh viên đại học xá Minh Mạng, Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, Chủ tịch Ban chấp hành lâm thời Tổng hội Sinh viên miền Nam Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước, anh trở thành đại biểu Quốc hội (khóa VI), sang Liên Xô làm nghiên cứu sinh tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội. Về Việt Nam, anh cùng Lê Quang Vịnh và một số anh em phong trào sáng lập Báo Thanh Niên đầu năm 1986, được cử làm Tổng biên tập. Một thời gian sau, anh chuyển sang Hội Chữ thập đỏ TP.HCM, phụ trách phòng khám bệnh miễn phí và chương trình hiến máu nhân đạo. Đến nay, anh vẫn tiếp tục làm công việc này.

Huỳnh Tấn Mẫm - Một đời sôi nổi ảnh 2Sách cung cấp nhiều tư liệu về phong trào hoạt động cách mạng của thanh niên đô thị miền Nam, mà Huỳnh Tấn Mẫm là một trong những ngọn cờ đầu với 11 lần bị bắt, 6 năm tù đày.

Sách đề cập những diễn biến, những sáng tạo trong các giai đoạn đấu tranh. Đó là phong trào Hát cho đồng bào tôi nghe, chiến dịch đốt xe Mỹ, tấn công Tòa đại sứ Mỹ, chống Quân sự học đường, liên kết sinh viên liên viện, tố cáo chế độ lao tù...

Sách cũng nhắc đến vai trò của các tổ chức biến tướng của cách mạng, các bà má phong trào, các lãnh tụ sinh viên khác, và cả những nhân vật đương quyền lúc bấy giờ, như đại tướng Dương Văn Minh - người từng đưa Huỳnh Tấn Mẫm lánh vào dinh Hoa Lan để tránh cuộc lùng bắt của cảnh sát - mật vụ Sài Gòn...

Sách dành riêng một mục viết về Đoàn sinh viên phật tử Sài Gòn - điểm tựa của phong trào sinh viên học sinh với khẳng định: "Tổng hội Sinh viên và Đoàn sinh viên phật tử Sài Gòn có thể coi như hình với bóng, và hai tổ chức này đã có sự phối hợp với nhau rất nhuần nhuyễn".

Huỳnh Tấn Mẫm nhiều lần bị rượt đuổi đã phải lánh tại trụ sở của Đoàn sinh viên phật tử (số 294 Công Lý - nay là đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa - quận 3), hoặc tại nhiều chùa như Ấn Quang, Pháp Hoa, tịnh xá Ngọc Phương... với sự che chở của tăng ni và phật tử.

Sách dày gần 300 trang, với nhiều ảnh tư liệu giá trị của phong trào sinh viên học sinh thời trước, có thể giúp tuổi trẻ thời nay tìm hiểu về lớp đàn anh.

Theo GIAO HƯỞNG - (TN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm