Kỷ niệm 73 năm ngày Thương binh, Liệt sĩ (27-7-1947 – 27-7-2020)

Hy sinh cứu dân trong thời bình

Trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, có những người con đất Việt đã dũng cảm lao ra sóng dữ trên biển cứu người rồi mãi mãi ra đi. Cũng có những nông dân hy sinh khi anh dũng lao vào “giặc lửa” cứu rừng dưới nắng nóng oi bức.

Lao ra biển dữ cứu người, cứu của

Xuôi theo cơn gió tây nam bỏng rát, chúng tôi tìm đến nhà bà Trần Thị Phương (63 tuổi) - mẹ của liệt sĩ Phạm Văn Thời (hy sinh năm 2013). Nhà của mẹ Phương ở xóm Yên Ngư (xã Xuân Yên, huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) gần bờ biển.

Trong căn nhà bê tông khang trang, bà Phương đang lau dọn bàn thờ gia tiên, chuẩn bị mâm quả để gia đình, người thân thắp nén hương tri ân ngày Thương binh, liệt sĩ 27-7.

Hai con của liệt sĩ Phạm Văn Thời thắp hương, báo với hương hồn bố “năm học vừa qua các con đã đạt học sinh chăm ngoan, học giỏi”.

Bà Phương rơm rớm nước mắt nói: “Chồng tôi là thương binh 1/4, vết thương khi chiến tranh tái phát dẫn đến mất sớm. Chồng mất chưa tròn hai năm thì con trai lại ra đi. Lúc Thời mất tuổi đời còn quá trẻ, mới 32 tuổi, hai con thơ dại, cháu bốn tuổi, cháu mới hai”.

Lúc 11 giờ 30 ngày 30-11-2013, anh Thời đi mua cá về nấu cơm trưa cho mẹ và vợ con. Khi ra đến bờ biển, anh nghe tin có thuyền bị chìm, hai ngư dân đang nguy kịch. Không chút đắn đo, anh Thời cùng anh Trần Văn Thọ (36 tuổi) và Trần Văn Hưởng (37 tuổi, cùng trú xóm Yên Ngư) lên thuyền ra khơi cứu người.

Ba anh đã kịp cứu anh Trần Văn Trường (21 tuổi) và anh Trần Văn Thường (32 tuổi) đang kiệt sức trên biển, đưa vào bờ. Sau đó ba anh lại lao ra khơi tìm vớt tài sản, ngư cụ và tìm cách trục vớt con thuyền. Nhưng khi đang vật lộn trên biển thì con thuyền của ba anh bị sóng đánh lật úp. Anh Thời kiệt sức rồi mất tích trên biển.

Người dân xóm Yên Ngư cho biết khi bơi được vào bờ, anh Thọ, anh Hưởng đều ngất xỉu và được đưa đến BV huyện Nghi Xuân cấp cứu, sau 1 giờ đồng hồ mới tỉnh lại.

Mẹ và hai con của liệt sĩ Phạm Văn Thời. Ảnh: Đ.LAM

Lực lượng tìm kiếm cứu nạn và các ngư dân đã tìm kiếm anh Thời suốt hai ngày trên vùng biển Hà Tĩnh, Nghệ An rồi vớt được thi thể anh ở khu vực biển Xuân Thành (huyện Hà Tĩnh).

Chính quyền địa phương lập hồ sơ gửi Bộ LĐ-TB&XH để bộ thẩm định rồi trình Thủ tướng Chính phủ cấp bằng Tổ quốc ghi công cho anh Thời. Ngày 15-1-2015, chính quyền địa phương tổ chức lễ truy điệu và trao bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Phạm Văn Thời.

Bà Phương cho biết: “Sau khi Thời được công nhận liệt sĩ, tôi và vợ và hai con của Thời đều được hưởng chính sách. Nay mỗi người mỗi tháng được nhận trợ cấp 1.620.000 đồng. Hai con của Thời đi học được miễn học phí. Ngày bố hy sinh, hai cháu chưa biết đọc nay hai cháu đều đã đọc thuộc thư của Chủ tịch nước thăm hỏi gia đình”.

Hy sinh khi chữa cháy rừng

Ký ức về vụ cháy rừng thông hàng chục năm tuổi từ tháng 5-2014 như vẫn còn in đậm trong tâm trí bà Trần Thị Sáu, 46 tuổi, vợ liệt sĩ Trần Bá Công trú xã Bảo Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An.

Thời điểm ấy, ông Công đang là đội trưởng dân quân tự vệ xóm 5, Ban chỉ huy quân sự xã Bảo Thành.

Trong căn nhà cấp bốn đơn sơ bên quốc lộ 7A, bà Trần Thị Sáu nhớ lại: Gần 12 giờ trưa 25-5-2014, gia đình tôi đang ăn cơm trưa thì chồng nhận được thông tin cháy rừng thông hàng chục năm tuổi thuộc địa bàn xã Bảo Thành. Chồng tôi vội uống bát nước chè xanh rồi dắt xe máy ra tham gia chữa cháy rừng”.

Chiều cùng ngày, khi lửa cháy rừng đã được khống chế thì ông Công kiệt sức rồi tử vong.

Với hành động xả thân cứu rừng, ngày 24-9-2014, Chủ tịch nước đã truy tặng huân chương dũng cảm cho ông Trần Bá Công và ngày 11-11-2014, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định trao bằng Tổ quốc ghi công liệt sĩ Trần Bá Công “đã hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

“Người chồng trụ cột trong gia đình mất đi, ba mẹ con chúng tôi thêm khó khăn. Thời gian qua, nhờ có sự giúp đỡ của chính quyền xã, bà con anh em lối xóm, chúng tôi vượt qua mất mát, đau thương, ba con đều học giỏi” - bà Sáu nói.

Bố mất đi, Trần Thị Nhật Anh (con gái đầu của vợ chồng ông Công, bà Sáu) đã từng phải đắn đo nghỉ không học THPT để đi làm giúp mẹ nuôi hai em. Nhưng ước mơ “lớn lên làm bác sĩ cứu giúp người nghèo” thôi thúc Nhật Anh tiếp tục đến trường. Kỳ thi ĐH năm 2017, Nhật Anh đạt 28,35 điểm khối A và 29,1 điểm khối B. Cộng với điểm vùng và ưu tiên con liệt sĩ, Nhật Anh thừa điểm vào ngành y đa khoa Trường ĐH Y Hà Nội.

“Nhật Anh nay đã là sinh viên năm tư, cháu thứ hai bước vào năm hai Trường CĐ Sư phạm Nghệ An, con trai út đang học THCS. Tiền trợ cấp hằng tháng đủ để con gái đầu chi tiêu học ở Hà Nội. Tôi làm nông, chăn nuôi để chu cấp cho con gái ở TP Vinh và con trai út ở quê nhà” - bà Sáu nói.

“Tôi vô cùng xúc động trước sự dũng cảm của anh Phạm Văn Thời khi lao vào sóng dữ trên biển cứu người rồi mãi mãi ra đi khi tuổi còn trẻ, các con của anh còn thơ bé. Hành động của anh Phạm Văn Thời thật cao cả và đáng tự hào cho dân tộc Việt Nam ta.

… Tôi tin tưởng gia đình anh, trong sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự chia sẻ, đùm bọc của bà con chòm xóm, sẽ vượt qua mất mát đau thương, ổn định cuộc sống, nuôi dạy các con anh Thời khôn lớn nên người, xứng đáng với tấm gương sáng ngời lòng nhân ái của Anh”.

Bức thư ngày 4-12-2013 của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang
 gửi gia đình anh Thời
 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm