Iran quyết không bỏ qua vụ ‘kiến trúc sư’ hạt nhân bị ám sát

Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei đã đưa ra những tuyên bố cứng rắn liên quan tới vụ nhà khoa học hạt nhân cấp cao Mohsen Fakhrizadeh-Mahabadi bị ám sát, hãng tin Reuters cho hay.

Ngày 27-11, ông Fakhrizadeh bị truy sát bằng hai hình thức tấn công dã man là đánh bom xe và xả súng. Iran chưa xác định được danh tính thủ phạm nhưng Ngoại trưởng nước này, ông Mohammad Javad Zarif nhanh chóng cáo buộc Israel đứng sau vụ ám sát.

Ngày 28-11, Đại giáo chủ Khamenei viết trên Twitter rằng các quan chức Iran phải nhận nhiệm vụ điều tra đến cùng và trừng phạt những kẻ đã gây ra "tội ác" này và cả "những kẻ đã chỉ huy điều này".

Bên cạnh đó, ông Khamenei còn cam kết sẽ tiếp tục những công việc mà ông Fakhrizadeh để lại. 

Lãnh tụ tối cao Iran, Đại giáo chủ Ali Khamenei. Ảnh: REUTERS

Hồ sơ về ông Fakhrizadeh ít được công bố nhưng Mỹ, Israel và các đồng minh phương Tây cho rằng nhà khoa học này là "kiến trúc sư" trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân bí mật của Iran.

Cả Mỹ và Israel gần như im lặng về lời cáo buộc của Iran

Cái chết của ông Fakhrizadeh được coi là có thể châm ngòi những căng thẳng mới giữa Iran với Mỹ và Israel ngay trong giai đoạn chuyển giao quyền lực nhạy cảm ở Washington.

Sau tuyên bố gần như ngay lập tức của Ngoại trưởng Zarif, trong chiều cùng ngày 27-11, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nhắc lại cáo buộc nhắm vào Israel và tuyên bố Iran sẽ đáp trả "vào thời điểm thích hợp".

Ông Tzachi Hanegbi, người đứng đầu Văn phòng Thủ tướng Israel bác bỏ cáo buộc trên khi nói rằng ông không manh mối nào về thủ phạm gây ra vụ ám sát ông Fakhrizadeh.

Còn ở Mỹ, cả chính quyền sắp mãn nhiệm của Tổng thống Donald Trump và đội ngũ chuyển tiếp quyền lực của ông Joe Biden đều từ chối bình luận về vụ tấn công.

Đức - quốc gia châu Âu có vai trò quan trọng trong đàm phán hạt nhân Iran - và Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres kêu gọi các bên kiềm chế. 

Ông Mohsen Fakhrizadeh-Mahabadi, người được coi là "kiến trúc sư" trong chương trình hạt nhân của Iran. Ảnh: GETTY

Tuy nhiên, ông Zarif chỉ trích hai tuyên bố trên rằng "thật đáng xấu hổ khi một số người từ chối đứng chống lại chủ nghĩa khủng bố và nấp sau những lời kêu gọi kiềm chế".

Iran sẽ hành động như thế nào sau vụ ám sát ông Fakhrizade?

Một quan chức cấp cao của Iran cho rằng việc trả đũa có thể diễn ra trong vài ngày hoặc vài tuần tới. Ông này nhắc lại rằng hồi đầu năm 2020, Tehran đã hành động để đáp trả vụ mưu sát Tướng Qassem Soleimani, chỉ huy cấp cao trong Quân đoàn Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran.

Đài Phát thanh Quân đội Israel cho biết nước này đã đặt một số đại sứ quán ở nước ngoài trong tình trạng báo động sau lời đe dọa của Iran. Dù vậy, chưa có báo cáo nào về mối đe dọa cụ thể từ Iran và quân đội Israel được cho là vẫn hoạt động bình thường.

Vụ ám sát ông Fakhrizadeh có thể ảnh hưởng tới tương lai Mỹ và Iran khôi phục quá trình đàm phán về chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Tehran. Năm 2018, Tổng thống Mỹ Trump đã đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân giữa nhóm P5+1 với Iran.

Cựu Giám đốc Tình báo quân đội Israel, ông Amos Yadlin cho rằng cho dù Iran chọn trả thù hay tự kiềm chế, vụ ám sát ông Fakhrizadeh cũng khiến viễn cảnh Mỹ và Iran quay lại bàn đàm phán hạt nhân càng thêm khó xảy ra.

Không chỉ giới lãnh đạo, các nhà khoa học hạt nhân hàng đầu của Iran đều tuyên bố tiếp tục theo đuổi những công việc của ông Fakhrizadeh. Trái với cáo buộc của phương Tây, Iran luôn khẳng định không có ý định theo đuổi vũ khí hạt nhân mà chỉ sự loại năng lượng này vì mục đích hòa bình.

Cựu Giám đốc Cơ quan Năng lượng nguyên tử Iran, ông Fereydoon Abbasi nói rằng: "Việc ông Fakhrizadeh tử vì đạo sẽ đẩy nhanh công việc hạt nhân của chúng tôi".

Bản thân ông Abbasi từng là mục tiêu một vụ ám sát bất thành năm 2010. Từ năm 2010 đến năm 2012, ít nhất bốn nhà khoa học Iran đã thiệt mạng trong những vụ ám sát mà Iran cho rằng mục đích là nhằm phá hoại chương trình hạt nhân của nước này. 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm