Hãng thông tấn nhà nước Iran IRNA hôm 4-8 dẫn thông tin từ lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo (IRCC) tuyên bố đã bắt giữ một tàu dầu Iraq tối 31-7 (giờ địa phương) gần khu vực đảo Farsi (Iran), phía bắc eo biển Hormuz. Con tàu này bị cáo buộc đang “bán lậu” gần 700.000 lít dầu sang một số nước trong khu vực.
Tư lệnh IRGC Ramezan Zirahi khẳng định việc bắt giữ hoàn toàn hợp pháp do tàu này đã vi phạm luật pháp Iran. Hiện tàu bị áp tải về cảng Bushehr và số dầu bị tịch thu. Bảy thủy thủ thuộc nhiều quốc tịch khác nhau cũng bị bắt giam. Bộ Dầu mỏ của Iraq sau đó bác bỏ tuyên bố của Iran, nhấn mạnh Baghdad “không xuất khẩu dầu diesel ra thị trường quốc tế”.
Vụ việc trên xảy ra chỉ vài ngày sau khi Mỹ áp đặt trừng phạt đối với Ngoại trưởng Iran Javad Zarif. Tehran đe dọa sẽ phong tỏa eo biển Hormuz và chặn tất cả tàu chở dầu đi qua khu vực nếu các nước làm theo yêu cầu của Mỹ và ngừng mua dầu Iran.
Thông điệp Iran gửi tới Mỹ và đồng minh
Theo tờ The New York Times, Hạm đội 5 Hải quân Mỹ đóng tại Bahrain cho biết vẫn chưa đủ thông tin để đưa ra các kết luận cuối cùng, trong khi chính quyền London khẳng định tất cả tàu Anh trong khu vực đều an toàn và không có công dân Anh nào trên tàu dầu vừa bị bắt giữ. Hãng giám sát hàng hải Dryad Global nhận định nếu được xác nhận, vụ việc lần này có thể lại là “một vụ bắt giữ kín đáo nhằm cảnh báo phương Tây rằng Iran hoàn toàn có đủ khả năng duy trì ảnh hưởng ở vùng Vịnh”.
Trong khi đó, chuyên gia Ranjith Raja tại Tập đoàn phân tích dữ liệu Refinitiv cho rằng con tàu vừa bị bắt có thể là một sà lan vận chuyển hoặc một tàu hỗ trợ, thay vì là tàu hàng thương mại như phía Iran cáo buộc dựa trên lượng dầu mà tàu này mang theo. Ngoài ra, do có quá nhiều tàu cùng hoạt động cùng lúc ở đây, ông Raja cho biết rất khó để xác định tàu nào đã bị bắt.
“Tôi nghĩ rằng ý đồ của Iran hiện tại là muốn cho Mỹ thấy cái giá phải trả khi áp đặt cấm vận nước này và việc cố tình giảm sản lượng dầu xuất khẩu của Tehran sẽ gặp phải hậu quả” - chuyên gia về Iran Adnan Tabatabi thuộc Viện nghiên cứu Trung Đông Carpo chia sẻ với Eurnews. Theo quan điểm của ông, nhiều khả năng đây cũng là một “màn trình diễn” của Tehran để cho thấy nước Cộng hòa Hồi giáo “có thể chặn tàu dầu bất cứ lúc nào nước này muốn”.
“Iran đã nhiều lần tuyên bố sẽ chặn dầu của nước khác nếu nước này cũng bị chặn. Tuy nhiên, vụ việc lần này theo các thông tin ban đầu lại là chở dầu lậu, vì vậy nó sẽ có điểm khác so với các vụ bắt giữ trước đó. Một cuộc chiến nhằm triệt tiêu tài nguyên của nhau đang nổ ra và cả hai bên đang tìm mọi cách để giữ thể diện. Tuy nhiên, về lâu dài tôi cho rằng Iran sẽ có lợi thế hơn Mỹ. Thời gian tới chúng ta sẽ biết được liệu thỏa thuận hạt nhân Iran 2015 có thể cứu vãn được hay không. Nếu không, thế giới nhiều khả năng sẽ còn nhiều động thái leo thang căng thẳng nữa như những diễn biến vừa qua” - chuyên gia Adnan Tabatabi nhận định.
Xuồng cơ động của hải quân Iran tuần tra eo biển Hormuz. Ảnh: AP
An ninh hàng hải ở eo biển Hormuz đang là vấn đề được cộng đồng quốc tế quan tâm trước những diễn biến đáng lo ngại gần đây. Khoảng 67.533 tàu hàng các nước đi qua khu vực này chỉ trong năm 2018, theo số liệu thống kê của tạp chí nghiên cứu Lloyd’s List. Hôm 25-7, trong một nỗ lực gia tăng hiện diện quân sự và gây sức ép với Iran, Lầu Năm Góc công bố Chiến dịch Canh Gác, thành lập liên minh hàng hải để bảo đảm an ninh và tự do hàng hải ở Trung Đông. Mỹ sau đó đã gửi lời mời một loạt nước đồng minh quan trọng ở châu Âu và châu Á như Anh, Pháp, Đức, Na Uy, Đan Mạch, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc... gửi quân đến tham gia chiến dịch. Pháp và Đức đã lên tiếng từ chối gia nhập kế hoạch của Mỹ, trong khi các quốc gia còn lại vẫn đang cân nhắc.
Gần đây nhất, trong chuyến thăm Úc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã nhắc lại yêu cầu Canberra giúp đỡ Washington trong việc đảm bảo an ninh khu vực vùng Vịnh. “Chúng tôi mong muốn được thấy các tàu chiến hiện đại của Úc xuất hiện ở vùng Vịnh, nơi mà an ninh hàng hải đang bị đe dọa nghiêm trọng từ mối nguy Iran” - ông Pompeo cho biết.
Cũng trong họp báo ngày 5-8, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif tuyên bố nước này sẵn sàng rút khỏi thỏa thuận hạt nhân 2015 giữa Tehran nếu lợi ích của Tehran không được các bên còn lại của thỏa thuận bảo đảm. |
Tương lai xung đột eo biển Hormuz
Trái với nhiều cảnh báo căng thẳng giữa Iran và phương Tây đang bị đẩy lên đến cực đại, Tư lệnh lục quân Iran Ahmad Reza Pourdastan lại cho rằng nguy cơ hai bên nổ ra xung đột vũ trang đã giảm đáng kể.
“Nhìn thoáng qua, tình hình ở vùng Vịnh có vẻ đang chuẩn bị bước vào một cuộc chiến tranh tổng lực nhưng sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng, chúng tôi cho rằng điều đó gần như không thể” - tướng Pourdastan tuyên bố với hãng tin AFP hôm 5-8.
Theo ông, mỗi quốc gia liên quan đều có lợi ích riêng ở Trung Đông và không ai muốn một cuộc xung đột mới xảy ra ở đây. Ông tự tin sức mạnh quân sự của Iran khiến không nước nào dám gây chiến với nước này. “Vùng Vịnh giống như một chiếc hộp mồi lửa và tia lửa đầu tiên sẽ thổi bùng lên một thảm họa” - Tư lệnh Ahmad Reza Pourdastan cảnh báo.
Trong khi đó, phát biểu tại buổi họp báo ở Tehran ngày 5-8, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh Mỹ không thể xây dựng một liên minh hàng hải để hộ tống các tàu chở dầu tại vùng Vịnh bởi các đồng minh của Washington quá “hổ thẹn” để gia nhập liên minh này.
Ông Zarif nêu rõ: “Ngày nay Mỹ cô đơn trên thế giới và không thể thành lập một liên minh. Các quốc gia là bạn bè của Mỹ quá hổ thẹn khi tham gia liên minh cùng họ. Họ gây chuyện với chính họ bằng cách vi phạm pháp luật, gây căng thẳng và khủng hoảng”.
Chiến đấu cơ Iran bất ngờ rơi gần vịnh Ba Tư Hôm 4-8, truyền thông Iran cho biết một chiến đấu cơ của nước này đã rơi trên bầu trời tỉnh Bushehr, gần vịnh Ba Tư. Theo hãng tin AP, hai phi công trên máy bay đã may mắn sống sót. Sự cố được cho là do trục trặc kỹ thuật. Abdolhossein Rafipour, Thị trưởng quận Tangestan, cho biết máy bay rơi xuống lúc 12 giờ 30 (giờ địa phương). Hiện chưa rõ chiến đấu cơ Iran có mục đích gì khi xuất hiện ở khu vực này. Tuy nhiên, Iran thường triển khai máy bay nhằm thực hiện nhiệm vụ tuần tra ở đây. |