Sau ba năm đàm phán hòa bình bị đóng băng (từ tháng 9-2010) với các chuyến ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng John Kerry, Israel và Palestine đã chịu ngồi vào bàn đàm phán.
Ngày 28-7 (giờ địa phương), người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo: “Hôm nay, Ngoại trưởng John Kerry đã trò chuyện với Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và với tư cách cá nhân đã mời hai bên cử phái đoàn đàm phán đến Washington để chính thức nối lại đàm phán trực tiếp. Các phiên họp đầu tiên dự kiến sẽ diễn ra vào đêm thứ Hai 29-7 và thứ Ba 30-7”.
Thông báo nhấn mạnh: “Các cuộc đàm phán này sẽ là cơ hội để phát triển chương trình làm việc nhằm xác định cách thức các bên sẽ tiến hành đàm phán trong những tháng tới”.
Trước đó, Israel đã thể hiện thiện chí với quyết định trả tự do cho 104 tù nhân Palestine. Theo AP, cuộc họp của Hội đồng bộ trưởng bàn vấn đề này kéo dài nhiều giờ vì có nhiều bộ trưởng kiên quyết phản đối. Cuối cùng Hội đồng bộ trưởng đã thông qua quyết định trả tự do cho tù nhân Palestine với 13 phiếu thuận, bảy phiếu chống và hai phiếu trắng.
Biếm họa của PARESH NATH (báo The Khaleej Timescủa Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất). Chữ trong ảnh: I’ll make headway soon= Chẳng mấy chốc tôi sẽ tiến triển thôi mà; Israeli-Palestinian peace negotiations= Đàm phán hòa bình Israel-Palestine.
Văn phòng thủ tướng Israel thông báo chính phủ sẽ thành lập một ủy ban cấp bộ trưởng phụ trách trả tự do cho tù nhân Palestine và Thủ tướng Benjamin Netanyahu sẽ chỉ đạo ủy ban này.
Trong khi đó, dự kiến trong tuần này Quốc hội Israel sẽ thảo luận dự luật vừa được chính phủ thông qua hôm 28-7. Dự luật quy định mọi hiệp định hòa bình ký kết với Palestine đều phải được đưa ra trưng cầu dân ý.
Dự luật này là một hình thức nhượng bộ đối với các bộ trưởng cánh hữu. Báo Haaretz của Israel ghi nhận trong liên minh cầm quyền hiện nay ở Israel do đảng Likud đứng đầu còn nhiều quan điểm chống đối.
Bộ trưởng Giao thông Yisrael Katz và Thứ trưởng Ngoại giao Zeev Elkin ủng hộ nối lại đàm phán nhưng không đồng ý thành lập quốc gia Palestine. Bộ trưởng Kinh tế Naftali Bennett dọa sẽ rời bỏ liên minh nếu Quốc hội không thông qua dự luật buộc trưng cầu dân ý về mọi hiệp định ký với Palestine.
Trong nội bộ Palestine cũng có nhiều ý kiến phản đối đàm phán với Israel. Nghị sĩ Mustafa Barghouthi (độc lập) cho rằng đàm phán chỉ mất thì giờ nếu không dẫn chiếu đường biên giới vào đầu năm 1967 và dừng toàn bộ việc xây dựng các khu định cư Do Thái.
Tổ chức Mặt trận Nhân dân Giải phóng Palestine cảnh báo nối lại đàm phán ngoài khuôn khổ của LHQ là tự sát chính trị.
Trong một bài viết đăng trên báo Al-Raï (Jordan), Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã phải xoa dịu với lời khẳng định: Mỹ nghiêm túc nhắm đến một giải pháp chính trị vì lợi ích của Palestine bằng cách thiết lập một quốc gia Palestine theo biên giới năm 1967 với Đông Jerusalem là thủ đô, đồng thời mọi hiệp định ký kết với Israel đều phải qua trưng cầu dân ý.
Một số báo của Israel đã không tiếc lời bài bác quyết định trả tự do cho tù nhân Palestine. Báo Jerusalem Post bình luận: “Những kẻ giết người lại được chào đón như người anh hùng ở Hebron, Ramallah và Jenin”. Báo Maariv viết: “Chính phủ Israel lúc nào cũng chọn giải pháp tệ hại nhất”. Chỉ có báo cánh tả Haaretz khen ngợi: “Chính phủ Israel đã quyết định đối diện với thực tế”. |
HOÀNG DUY