Hỏa lực của Anh đâu phải vừa khi Kane và Vardy lần lượt về nhất và nhì danh sách dội bom Premier League mùa giải vừa qua với lần lượt 25 và 24 bàn. Bên cạnh đó còn một Rooney là tay săn bàn hàng đầu của tuyển Anh trong mọi thời đại (52 bàn).
Tương tự như thế, xứ Wales đang sở hữu chân sút có giá trị chuyển nhượng cao nhất thế giới Gareth Bale.
Với tuyển Anh, nhiều cựu danh thủ đánh giá rằng đây là thế hệ giỏi của bóng đá Anh kể từ hồi đoạt World Cup 1966 đến nay. Còn xứ Wales thì có thể là chú “ngựa ô” của giải sau gần 60 năm mới góp mặt tại một giải đấu lớn.
Còn với tuyển Nga hai Slovakia thì thật khó đoán. Euro 2008, giữa lúc Hà Lan thắng như chẻ tre ở vòng bảng trong đó quật ngã nhà vô địch World Cup 2006 - Ý, quật ngã Pháp... thế mà bị Nga do HLV Guus Hiddink chặn đứng ở tứ kết... Nói thế để thấy rằng nếu như HLV Roy Hodgson của tuyển Anh mà không chịu nhìn ra, không biết mình biết ta thì rất có thể trả giá đắt.
Nên nhớ rằng HLV Leonid Slutski tiếp quản tuyển Nga từ tay Capello rất èo uột thì sau đó tuyển Nga đi một lèo các trận thắng để có mặt tại Pháp. Slutski cũng được xem là “phù thủy” của bóng đá Nga, Leonid Slutki trẻ, nhạy cảm và ứng phó nhanh. Nếu như Roy Hodgson mà cao ngạo chỉ dùng dàn sao của mình với mục tiêu lấy thịt đè người thì rất có thể trả giá đắt.
Trong khi đó, HLV Coleman của xứ Wales cũng đã thử nghiệm rất nhiều phương án B. Những trận đánh giả định thiếu Bale. Hoặc những trận Bale bị đối phương vây kín. Thực tế điều này HLV Chris Coleman đã thử nghiệm, đó là trận thắng giao hữu Thụy Điển 3-0 (phía Thụy Điển cũng không có Ibrahimovic). Đó là các tiền vệ hỗ trợ và ghi bàn.
Bale là người ghi bảy trong số 11 bàn của xứ Wales tại vòng loại châu Âu. Tuy nhiên, ở bảng này thì Wales lẫn Slovakia là đội bóng được xem là... kèo dưới so với Anh và Nga. Anh, Wales phải tìm mọi cách đánh bại Slovakia để có vốn lận lưng.
Anh và Wales có “sao” và “sao” đắt giá nhưng coi chừng sụp hầm trận đầu ra quân.