Katê, lễ hội văn hóa lớn của người Chăm

Người Chăm có hơn trăm cuộc lễ trong năm, trong đó có thể kể đến những lễ lớn như lễ Rija Nưgar (Rija: lễ, Nưgar: Xứ sở, Rija Nưgar: Lễ Xứ sở) diễn ra vào đầu năm lịch Chăm (tháng tư dương lịch, vì vậy còn gọi là lễ tẩy trần tháng tư), lễ Ramưwan, lễ Katê…

Nếu Ramưwan là lễ của người Chăm theo tôn giáo Bà ni thì Katê là lễ hội của người Chăm Bà la môn. Qua biến thiên lịch sử, nhất là chủ trương hòa hợp, Katê đã trở thành lễ hội chung và là lễ lớn nhất cho cả cộng đồng người Chăm cả hai giáo phái. Tuy vậy, người Chăm Bà ni chỉ tham gia cúng lễ trên tháp chứ không cúng lễ ở làng và nhà.

Theo lời kể lại, thì trước năm 1945, người Chăm Pandurangga (ở Ninh Thuận và Bình Thuận ngày nay) thường hành hương về tháp Po Inư Nưgar (còn gọi là Po Ina Nagar, dân gian gọi là Tháp Bà) ở Yja Trang (Nha Trang) để hành lễ Katê. Từ Panrang (Phan Rang) muốn tới đây phải lên xe trâu đi và về ít nhất ba ngày hai đêm. Năm 1944, phong trào Việt Minh nổ ra, người Chăm mới tạm ngưng hành hương về đất cũ. Đến năm 1954, người Chăm xây đền Po Inư Nưgar ở palei Hamu Tanran và thỉnh Bà về đó thì lễ tục Katê ở Nha Trang thưa dần rồi dứt hẳn.

Âm nhạc là một phần quan trọng trong các nghi thức tế lễ. Ảnh: TL

Hiện nay, lễ hội Katê được tổ chức ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, mà Ninh Thuận là chủ yếu với ba điểm là đền Po Inư Nưgar, tháp Po Klong Garai và tháp Po Rôme. Katê xa xưa chỉ có lễ, về sau có thêm phần hội nên được gọi là lễ hội Katê.

Lễ hội Katê kéo dài có khi nhiều ngày nhưng có hai ngày chính lễ. Phần nghi lễ chính thức bắt đầu từ khi mặt trời vừa lên. Mở đầu là nghi thức tấu trình với thần linh về việc tổ chức lễ hội. Người dân sẽ chuyển những lời ước nguyện tới thần linh và cầu xin sự giúp đỡ của thần linh. Nếu là Katê trên tháp thì đại diện cho chức sắc, sư cả Po Dhya là chủ lễ, thực hiện nghi lễ đầu tiên là té nước lên bức phù điêu thần Shiva trên cửa tháp. Những giọt nước rơi xuống từ phù điêu được người dân hứng lấy, xoa lên đầu, mặt, cả thân thể cầu mong được mạnh khỏe, may mắn.

Tiếp đến, thầy Po Dhya khấn xin mở cửa tháp, Muk Pajaw (bà bóng) cùng thầy Kadhar thực hiện các nghi lễ: lễ mở cửa tháp, lễ tắm tượng thần và lễ thay y phục. Thầy Kadhar kéo đàn kanhi, hát thánh ca kể về sự nghiệp anh hùng và công trạng các vị thần linh, các vị vua anh hùng; bà Pajaw khấn vái cầu bình an; thầy Po Dhya dâng lễ vật và dâng cơm theo lời hát của thầy Kadhar. Kết thúc buổi lễ Katê trên đền tháp, người dân về làng để tổ chức lễ hội Katê ở làng và lễ cúng cơm trong gia đình.

Lễ hội thì phải có ca, múa, nhạc trên đền, tháp và trong các làng. Các bài hát từ những truyền thuyết đã được lưu truyền thành những huyền sử ca ngợi các vị thần linh, các anh hùng dân tộc được chủ lễ cất lên thành những bài tụng ca. Các điệu múa như múa roi, múa đạp lửa, múa quạt, múa đội lu, múa khăn… nhịp nhàng, uyển chuyển trong tiếng trống Ginơng, trống Baranưng, kèn Xaranai… 

Katê được tổ chức theo lịch Chăm, vì vậy nếu tính qua dương lịch thì mỗi năm mỗi khác. Năm 2014 là ngày 22 và 23-10, năm 2015 là ngày 9 và 10-10, năm 2016 là ngày 30-9 và 1-10. Năm nay, năm 2017, lễ hội Katê sẽ tiến hành nhằm ngày 18 và 19-10. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới