Dư luận hết sức bức xúc trước việc tuyến kênh thoát nước của dự án cải tạo kênh Ba Bò (nằm trên tỉnh Bình Dương) mới khánh thành được một tháng đã bị hư hỏng. Công trình này có tổng chiều dài hơn 3 km với tổng kinh phí đầu tư hơn 345 tỉ đồng. Đây là dự án góp phần giải quyết tình trạng ngập úng, ô nhiễm gây ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe người dân sống dọc theo hai tuyến kênh của tỉnh Bình Dương và của cả người dân TP.HCM.
Hư hỏng nặng
Trong ngày 26-5, phía đơn vị nhà thầu vẫn đang sửa chữa bờ kênh Ba Bò (đoạn qua phường Bình Hòa, thị xã Thuận An, Bình Dương) bị hư hỏng, sạt lở sau một tháng khánh thành. Theo quan sát của PV, đoạn kênh hư hỏng nặng còn rất nhiều khu vực chưa được sửa. Đoạn bờ kênh phía KCN Đồng An dài khoảng 500 m được đơn vị thi công che kín để sửa chữa. Đoạn kênh sau lưng Công ty Cổ phần Hưng Thịnh bị hư hỏng nặng nhất với chiều dài hàng trăm mét bờ kênh bị hư hại, còn mặt đường đầy vết rạn nứt, nghiêng lún. Nhiều tấm đan dọc hai bờ taluy (sườn dốc) chạy theo tuyến kênh đã bị sụt, lún cục bộ nên đơn vị thi công phải làm lại. Ngoài ra, trên mặt bờ kênh được đổ bê tông nhưng có nhiều chỗ cũng bị lún và nứt, nghiêng, xuất hiện kẽ hở 5 cm. Không những vậy, gạch tấm đan dọc hai bờ lát bề mặt nghiêng bị nứt, không còn gắn kết với nhau.
Còn bên phía bờ kênh khu dân cư phường Bình Hòa và Quân đoàn 4 cũng có gần chục điểm bị sụt lở, nhiều chỗ đang có hiện tượng bị nứt. Mặt nghiêng bên trong lòng kênh gạch bị rơi. Một số máng nước xây bằng bê tông và cầu thang dẫn xuống kênh đều bị nứt, có chỗ bị gãy ngang. Bên trên mặt đường bê tông nhiều chỗ cũng bị sụt lún, nứt nhiều chỗ.
Một số đoạn taluy kè kênh bị sạt lở nghiêm trọng. Ảnh: VH
Đơn vị thi công chịu trách nhiệm
Giải thích về sự cố sụt, lún làm hư hỏng công trình, ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc TNHH Sản xuất-Xây dựng Quỳnh Phúc (đơn vị thi công), cho biết mấy hôm trước tại khu vực thượng nguồn đã xảy ra cơn mưa khá lớn nên nhiều khe nối giữa các tấm đan chạy theo tuyến kênh chưa hoàn thiện đã làm nước rút vào gây hiện tượng sạt lở cục bộ (?!). Vì bên bờ kênh có độ nghiêng cao nên không thể dùng xe lu để nén chặt, bên cạnh đó đơn vị thi công cho lót các tấm gạch bê tông lên bề mặt nhưng chưa kịp trét xi măng nên các vết hở giữa các tấm gạch bê tông, cộng với trời mưa lớn dẫn đến nước xói mòn vào các kẽ hở gây sạt lở. Riêng phần đường dọc kênh bị nứt được cho là do xe quá tải đi vào trái phép.
“Để xảy ra sự cố, trách nhiệm thuộc về đơn vị thi công của chúng tôi. Vì vậy chúng tôi đã chủ động phối hợp cùng đơn vị giám sát tiến hành khắc phục trong thời gian nhanh nhất. Việc sạt lở bên sườn bờ kênh không gây ảnh hưởng nhiều đến kết cấu, chất lượng công trình (?!). Công trình sẽ được bảo hành hai năm và nếu xảy ra hư hỏng phía nhà thầu vẫn tiếp tục sửa chữa miễn phí và chịu trách nhiệm đối với công trình” - ông Trí cho biết thêm.
Còn đại diện đơn vị giám sát cho biết việc thực hiện công trình đã theo đúng thiết kế. Tuy nhiên, do công trình vẫn còn trong giai đoạn hoàn thiện, một số hạng mục gia cố hai bờ sườn dọc tuyến kênh vẫn đang thi công nên xảy ra sụt lún. Phía giám sát cũng đã đề nghị nhà thầu tháo dỡ các tấm đan ở những vị trí sạt lở, đồng thời đầm nén ở khu vực xảy ra sạt lở để đảm bảo chất lượng công trình.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Hồ Văn Thông, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương, chủ đầu tư dự án, cho biết khi sự cố xảy ra, công ty đã làm việc với nhà thầu, đơn vị giám sát thi công để khảo sát, đánh giá thiệt hại và khẩn trương khắc phục sự cố. Sự cố hư hỏng này nhà thầu phải tự bỏ tiền khắc phục, công trình sẽ không đội vốn.
Thi công ẩu, không bảo đảm chất lượng công trình
Theo người dân sống bên dòng kênh, công trình khi đưa vào sử dụng được hơn một tuần thì bắt đầu có hiện tượng bị nứt, sụt lún. Không chỉ trên mặt đường bê tông bên kênh mà khu vực bờ kè cũng bị xuống cấp trầm trọng. Họ cho rằng phía đơn vị thi công đã “mượn đất” từ phía bờ đối diện để làm sườn dốc, lại đầm nén không chặt khiến nền đất yếu nên dẫn đến việc hư hỏng chứ không phải do xe quá tải đi vào như nhà thầu giải thích. Một số người khẳng định nguyên nhân dẫn đến việc hư hỏng là do nhà thầu thi công không đảm bảo chất lượng công trình nên sau một vài cơn mưa đầu mùa thì một số đoạn của bờ kè bị sạt lở.
“Khi con kênh được cải tạo, khánh thành đưa vào sử dụng người dân vui mừng vì không còn sống trong cảnh hôi thối, bờ kênh được làm kè, đổ bê tông sạch sẽ để mọi người có chỗ vui chơi, dạo mát. Vậy mà đoạn kênh mới khánh thành được một tháng đã hư hỏng rồi. Công trình sau khi sửa chữa rồi sẽ đảm bảo được bao nhiêu năm đây. Mới phấn khởi không được bao lâu thì giờ lại thất vọng...” - một người dân sống gần bên kênh buồn bã.