Kéo dài sự sống bệnh nhân ung thư di căn

Công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán điều trị ung thư và một số bệnh lý” do GS-TS Mai Trọng Khoa, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, Bệnh viện (BV) Bạch Mai, chủ trì là một trong bốn công trình y học sẽ vinh dự được Nhà nước trao giải thưởng Hồ Chí Minh về lĩnh vực khoa học - công nghệ vào ngày 17-9 tới đây.

Từ nỗi ám ảnh ung thư

Gặp GS-TS Mai Trọng Khoa trong một ngày cuối tuần, ông chia sẻ rằng việc nghiên cứu, đeo đuổi công trình này xuất phát từ những người bệnh ung thư. GS Khoa cho biết có rất ít bệnh nhân ung thư ở Việt Nam được phát hiện và điều trị sớm. Hầu hết họ đến bệnh viện điều trị khi đã ở giai đoạn muộn, di căn và biến chứng. Do đó việc điều trị gặp nhiều khó khăn, chi phí tăng cao nhưng hiệu quả lại thấp, tỉ lệ tái phát, tử vong cao so với thế giới.

Để nâng cao chất lượng điều trị, đồng thời giúp phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu, BV Bạch Mai đã sử dụng kỹ thuật PET/CT (kỹ thuật chụp cắt lớp phát bức xạ - Positron Emission Tomography) để chẩn đoán và phát hiện ung thư ở giai đoạn khối u chưa hình thành, thời điểm mà các công cụ khác không thể nhìn thấy được. PET/CT không những phát hiện tổn thương sớm, chính xác mà còn cho thấy cả cấu trúc giải phẫu và hình ảnh chức năng của vùng tổn thương. Vì thế kỹ thuật này có thể dễ dàng xác định được khối u và hạch di căn. Đây là một trong những kỹ thuật tiên tiến nhất hiện nay và đã được áp dụng tại các BV như Viện Quân y 108, BV Việt Đức, BV Chợ Rẫy và BV Bạch Mai. Nếu khối u được phân loại sớm và đúng sẽ có phác đồ điều trị chính xác.

Đặt khung định vị cho bệnh nhân xạ phẫu u não bằng dao gamma. (ảnh bệnh viện cung cấp)

Từ thực tế điều trị, GS Mai Trọng Khoa và nhóm cộng sự đã tìm tòi, nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật bức xạ ion hóa, giúp nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị làm giảm tỉ lệ tử vong, tăng tỉ lệ chữa thành công bệnh nhân ung thư. Nhờ nhóm công trình nghiên cứu này mà nhiều bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, di căn đã thoát án tử và tiếp tục sống.

Một trong số những bệnh nhân may mắn đó là PGS Đỗ Quốc Hùng, nguyên là Trưởng phòng C7, Viện Tim mạch Quốc gia. BS Hùng cho biết ông phát hiện bị ung thư phổi vào cuối năm 2012, sau một thời gian bị ho kéo dài. Khi nhận kết quả ông rất sốc. Nhiều người khuyên ông nên ra nước ngoài điều trị nhưng ông tin vào tay nghề của các đồng nghiệp nên đã quyết định ở lại.

Theo GS Khoa, trên lý thuyết, với những bệnh nhân ung thư di căn lên não, khối u không mổ được, nếu mổ chắc chắn tử vong nên sẽ chỉ được chăm sóc giảm nhẹ. Tuy nhiên, nhờ những ứng dụng khoa học hiện đại và sự chẩn đoán chính xác, PGS Hùng sau đó đã được phẫu thuật cắt bỏ khối u bằng dao gamma quay (kỹ thuật xạ phẫu bằng tia gamma - Rotating Gamma Knife) kết hợp hóa trị và biện pháp nhắm trúng đích mới. Sau đó các tổn thương đã biến mất, PGS Hùng quay trở lại với công việc tại Viện Tim mạch.

Bứt phá ngoạn mục của ngành y tế

Đánh giá về công trình nghiên cứu của GS-TS Mai Trọng Khoa, GS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, thành viên Hội đồng quốc gia giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước về khoa học công nghệ năm 2016, cho biết: Đây là công trình nghiên cứu có nhiều điểm nhấn quan trọng, là sự bứt phá ngoạn mục của ngành y tế Việt Nam. Với kỹ thuật PET/CT của Hoa Kỳ, GS Khoa đã đưa ra lập trình trị liệu có thể ứng dụng trên người Việt Nam.

Đây là công nghệ mang hiệu quả nhưng ít biến chứng xạ trị, là một trong những điểm nhấn mà hội đồng khoa học các cấp đã đánh giá rất cao. Công trình nghiên cứu sử dụng hình ảnh PET/CT để mô phỏng lập kế hoạch xạ trị, giúp bác sĩ có thể nhìn rõ khối u, rồi hướng chùm tia phóng xạ vào đúng vùng có tế bào ác tính để tiêu diệt, đồng thời vẫn che được các tổ chức xung quanh an toàn.

“Công trình nghiên cứu đã tạo bước ngoặt về sử dụng năng lượng nguyên tử trong mục đích dân sinh, điều trị cho người bệnh kết quả cao nhất” - ông Khẩn đánh giá.

Cũng theo GS Khẩn, một ý nghĩa thành công của công trình nghiên cứu là áp dụng sáng tạo và cải tiến dao gamma quay để điều trị những bệnh u thân não, u tiểu não. Có những u ở thân não nếu phẫu thuật thì sẽ tử vong. Nhóm của GS Khoa đã sáng tạo khi sử dụng gamma quay để diệt khối u ác tính mà không phải mổ, vẫn bảo vệ được những tế bào lành xung quanh và tỉ lệ thành công rất cao. Bên cạnh đó, công nghệ này đã được chuyển giao nhanh chóng cho các BV tuyến tỉnh trên toàn quốc, giúp cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo.

Chi phí điều trị hợp lý

Kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gamma quay tại Mỹ có chi phí là 25.000 USD/lần nhưng tại Việt Nam chỉ 2.000 USD/lần; kỹ thuật chụp PET/CT tại Singapore có giá là 2.200 USD/lần, tại Việt Nam là 1.200 USD; kỹ thuật xạ điều biến liều tại Singapore là 10.000 USD/lần, tại Việt Nam là 2.000 USD… Đó là chưa kể các kỹ thuật này còn được bảo hiểm y tế chi trả, chi phí điều trị rất thấp.

Nhờ vậy, nhiều người dân với thu nhập thấp vẫn có cơ hội tiếp cận, sử dụng những thiết bị hiện đại để chẩn đoán và điều trị ung thư ngay tại Việt Nam.

___________________________________

Kéo dài sự sống bệnh nhân ung thư di căn ảnh 2

GS-TS Mai Trọng Khoa đã có hơn 200 công trình   nghiên cứu được công bố ở các tạp chí khoa học trong nước và 16 công trình ở các tạp chí quốc tế. Đặc biệt có 13 công trình nghiên cứu được trực tiếp báo cáo tại hội nghị quốc tế. Ông là chủ biên nhiều giáo trình giảng dạy đại học và sau đại học, trong đó có nhiều đề tài về y học hạt nhân và ung bướu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm