Sau đó đến lứa U-19 của HLV Hoàng Văn Phúc và hai năm sau thì đến lứa U-19 thành phần nòng cốt là học viện của bầu Đức. Cả ba lứa đều có thành tích tốt nhưng ồn ào nhất vẫn là lứa trưởng thành từ học viện của bầu Đức gắn với cơn sốt Indonesia 2013.
Năm nay lứa U-19 Việt Nam dự giải Đông Nam Á do HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt lấy thành phần nòng cốt từ lò đào tạo trẻ PVF. So với hai năm trước thì lứa cầu thủ này thể hình đẹp hơn nhưng lại không tạo sức hút như hai năm trước nếu không muốn nói là trận khởi đầu thắng Đông Timor 2-0 họ chơi khá nhạt không gắn kết được với nhau.
Thành phần U-19 Việt Nam đang tham dự giải tại Lào có tám cầu thủ của U-19 PVF (vô địch giải U-19 quốc gia). Nhìn vào cách thể hiện thì thấy rõ HLV Hoàng Anh Tuấn đã quá khó khăn trong vòng một tháng để nhào nặn ra một tập thể còn nhiều khối chưa kết dính và nhất là độ ăn ý và hầu như không có. Ngay cả cách xử lý tình huống cũng chưa tinh. Xét cho cùng thì cũng không khó hiểu bởi một đội vô địch U-19 như PVF mà mỗi năm cũng chỉ đá trên dưới bảy trận thì làm sao mài giũa những kỹ năng và gắn kết được. Lên đội tuyển U-19 ráp đội hình với thời gian ngắn họ cũng cho thấy là những mảnh ghép khác xa với cầu thủ bốc lên từ một học viên ăn ở với nhau suốt bảy năm.
HLV Calisto từng khuyến cáo: “Để tạo ra một thế hệ vàng từ CLB cho đến đội tuyển quốc gia thì tối thiểu họ phải chơi cùng nhau 40 đến 50 trận. Các cầu thủ trẻ mỗi năm chơi ít nhất trên dưới 35 trận của các giải thì mới tiến bộ được trong khi các bạn thì những giải trẻ chỉ đá với nhau vài trận thì thật khó để phát triển”.
Đấy cũng là điều rút ra từ cách làm bóng đá trẻ mà nên cảm thông với HLV Hoàng Anh Tuấn.
TẤN PHƯỚC