Khai mở vụ án chính trị thời vua Lý Nhân Tông

Nhà báo Mạnh Thắng, Phó Trưởng ban Văn hóa nghệ thuật báo Đại Đoàn Kết (bút danh Từ Khôi), vừa chính thức ra mắt cuốn truyện ngắn và tùy bút Vụ án Thái sư hóa hổ.

Tùy bút Vụ án Thái sư hóa hổ viết từ năm 2004 đến năm 2011 hoàn thành và bổ sung tháng 1-2017. NXB Thanh Niên vừa xuất bản. Bìa sách do họa sĩ Dũng Choai của báo Đại Đoàn Kết thiết kế.

Sách gồm hai truyện ngắn Hồ Tây có còn sương mù giăng và Nỗi đau rồng và một tùy bút có tên Vụ án Thái sư hóa hổ.

Nội dung chính của tùy bút Vụ án Thái sư hóa hổ đề cập đến vụ án chính trị kinh thiên động địa thời vua Lý Nhân Tông. Vụ án đã loại bỏ khỏi vũ đài chính trị vị thái sư đầu triều Lê Văn Thịnh. Theo tác giả, không rõ tội danh bị gán cho thái sư Lê Văn Thịnh thuộc vào điều khoản nào của luật thời đó nhưng chắc chắn vào loại thập ác.

Tội danh đưa ra là Thí quân đoạt ngôi “giết vua cướp ngôi” ở đây là vua Lý Nhân Tông. Địa điểm xảy ra vụ án tại hồ Dâm Đàm tức Hồ Tây. Thời gian diễn ra vào năm Bính Tý (1096), có sách sử ghi vào tháng 3, có sách ghi tháng 11.

Vụ án chính trị này hơn 900 năm qua luôn khiến người nghiên cứu lịch sử và những người yêu danh nhân lịch sử nước ta day dứt. Vụ án Lệ Chi viên tru di tam tộc đại công thần Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ năm 1442 nhưng sau 22 năm, cũng vẫn dưới triều Lê, vua Lê Thánh Tông đã chiêu tuyết cho ông. Do đó dù vụ án thảm khốc nhưng phần nào đã rõ ràng, lẽ công bằng dần được sáng tỏ và những tác phẩm của Nguyễn Trãi được sưu tầm. Còn đối với thái sư Lê Văn Thịnh, triều đình phong kiến sau này không minh oan cho ông nhưng lại để cho lập đền thờ.

Tùy bút Vụ án Thái sư hóa hổ không chỉ lập “hồ sơ” của vụ án mà còn dựng lại chân dung kỳ vĩ về một nhân vật lịch sử nổi bật trong lịch sử.

Theo tác giả Từ Khôi, đây không phải tiểu thuyết, không phải sách nghiên cứu đơn thuần mà được thể hiện với bút pháp “tùy bút”. Thể loại này cho phép tác giả tiếp cận được chân lý một cách gần nhất. Trên cơ sở nghiên cứu sử sách, nắm bắt các câu chuyện truyền miệng từ điền dã, nội dung văn bia, sắc phong, tác giả đã chắp nối lại. Ở những điểm “mờ” của lịch sử, tác giả suy tưởng theo phương pháp logic. Vì vậy, đọc tùy bút Vụ án Thái sư hóa hổ có sức hấp dẫn của văn học dân gian, của tư liệu lịch sử.

Tác giả Từ Khôi giới thiệu về cuốn sách.

Thái sư Lê Văn Thịnh là người khai khoa nền khoa bảng Việt Nam. Trong hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang, hiện tại thống kê được 14 làng thờ ông. Vì ông đỗ đầu ở kỳ thi đầu tiên nên nhiều triều đại phong kiến sau suy tôn ông là ông tổ khoa bảng Việt Nam hoặc trạng nguyên đầu tiên như văn bia tại Văn Miếu Bắc Ninh. Ông cũng là người đòi lại cương thổ bị mất từ trước chiến tranh.

Sau 10 năm cống hiến cho triều đình, ông bị vướng vào vụ án mưu phản giết vua ở hồ Dâm Đàm (nay là Hồ Tây, Hà Nội). Việc này, sách Đại Việt sử lược (viết vào thời nhà Trần) chép:

Tháng 11 năm 1095, vua Lý Nhân Tông xem đánh cá ở Dâm Đàm. Lúc bấy giờ vua ngự trong chiếc thuyền nhỏ, thị vệ theo hầu rất ít. Thái sư Lê Văn Thịnh vốn có mưu gian, nhân cơ hội ấy mới dùng ảo thuật làm khói sương nổi thoắt lên bao phủ cả mặt hồ, ban ngày mà tối tăm mù mịt.

Một lát, nhà vua nghe tiếng mái chèo sắp đến gần, có ý sợ xảy ra tai biến mới lấy cái mác phóng ra. Khói sương theo mác mà tan biến đi thì thấy thuyền của Lê Văn Thịnh đã đến gần, với đồ hung khí. Vua sai người bắt giữ Lê Văn Thịnh rồi hạ chiếu đem an trí ở miệt Thao Giang (nay là Phú Thọ). Trước kia, trong nhà Lê Văn Thịnh có tên đầy tớ là người Đại lý (tức Vân Nam, Trung Quốc), giỏi làm ảo thuật, Lê Văn Thịnh học được phép của nó. Và, đến đây thì làm phản.

Đánh giá về vụ án này, giới sử học đều cho rằng "hóa hổ giết vua" là chuyện hoang đường, thái sư Lê Văn Thịnh bị oan và là nạn nhân của một âm mưu chính trị nào đó.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm