Cuốn sách Lĩnh Nam chích quái do Nhà xuất bản Kim Đồng thực hiện vừa tạo nên một kỳ tích đặc biệt. Tối 11-6, cuốn sách mới có buổi ra mắt độc giả và giao lưu với họa sĩ vẽ minh họa của cuốn sách, tuy nhiên trước đó cuốn sách này đã “cháy hàng".
Đây là một thành tích hiếm hoi mà bất cứ nhà xuất bản nào cũng mong muốn tạo ra cho cuốn sách của mình. Nhưng điều đặc biệt hơn nó lại được tạo ra bởi một cuốn sách về lịch sử, vốn không nằm trong phân khúc những sách bán chạy nhất.
Tại buổi giao lưu, vấn đề này cũng đã được của TS Nguyễn Tô Lan, Viện Hán Nôm, đặt ra cho họa sĩ Tạ Huy Long, người vẽ minh họa cho cuốn sách. Tuy nhiên, chính bản thân họa sĩ Tạ Huy Long cũng cho rằng mình khá ngạc nhiên về sự quan tâm của độc giả với cuốn sách này.
Họa sĩ Tạ Huy Long (trái) giới thiệu về các ảnh minh họa của mình trong sách.
Khi được yêu cầu lý giải về thành công của cuốn sách, anh chỉ dẫn ra một lý do lớn nhất đó chính là chất lượng của các bản in. Ở góc độ độc giả, TS Tô Lan thì cho rằng một trong những lý do khiến cho cuốn sách thành công đó chính là sự gặp nhau giữa người vẽ minh họa và dịch giả cuốn sách.
Bên cạnh đó, TS Tô Lan cũng đồng ý với họa sĩ Tạ Huy Long ở khía cạnh cuốn sách được thực hiện với một sự tôn trọng độc giả cao độ và thật sự nghiêm túc.
“Có rất nhiều người nói Lĩnh Nam chích quái là một truyền thuyết, cổ tích, người đọc là thiếu nhi và không cần chú thích dài dòng. Tuy nhiên ở cuốn sách này việc đó lại rất được coi trọng” - TS Tô Lan bày tỏ.
Chia sẻ về công việc của mình ở cuốn sách cụ thể này, họa sĩ Tạ Huy Long cho hay một trong những lý do khiến cho anh nhận lời làm minh họa cho cuốn sách này vì anh cần chuyển tải cho người trẻ nhìn nhận lại lịch sử của mình.
“Trước nay vẽ lịch sử là vẫn tinh thần tự hào dân tộc, đó là điều đương nhiên. Nhưng sau này tôi đi xa hơn một chút nữa, lịch sử là để rút kinh nghiệm, để nhìn nhận lại một cách công minh hơn, sáng rõ hơn” - họa sĩ nói.
Sau sự kiện, nhiều bạn trẻ đã phải xếp hàng để xin chữ ký của người vẽ minh họa.
Họa sĩ Tạ Huy Long cũng nêu quan điểm vẽ hay làm gì đó cũng cần phải có sự giao cảm. “Khi anh phát ra một năng lượng để tìm tòi thì anh cũng sẽ được đáp trả bởi năng lượng ấy. Tôi thật sự được nhận năng lượng ấy và tôi làm khá suôn sẻ. Khi tôi vẽ cứ như trôi ra, tuy nhiên sau mỗi lần vẽ thì mệt vô cùng" - anh tâm sự.
Từng là một kiến trúc sư, cũng là người đã tham gia vào việc phục dựng các công trình văn hóa cổ, chính trong những lần tiếp xúc đó anh đã ghi chép tỉ mỉ những gì mình đã chứng kiến. Kiến thức và sự giao cảm đã khiến cho những hình ảnh minh họa trong sách, nói theo cách của TS Tô Lan là nếu tách nó ra khỏi văn bản thì tự bức tranh cũng có thể kể câu chuyện của mình.
Lĩnh Nam chích quái - tập truyện ghi lại những chuyện kỳ lạ ở nước Nam, là một danh tác văn học trung đại, một báu vật trong di sản văn hóa của ông cha. Ở Lĩnh Nam chích quái, những truyện tích thần kỳ được góp nhặt và ghi chép lại thể hiện quan niệm của ông cha về lịch sử dân tộc, về phong tục tập quán, về cách đối nhân xử thế... Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp được viết bằng chữ Hán vào khoảng đời Trần, qua thời gian được sự nhuận sắc, chỉnh sửa, bồi đắp của nhiều thế hệ các nhà nho Việt Nam tiêu biểu như Vũ Quỳnh, Kiều Phú. Ấn bản Lĩnh Nam chích quái của Nhà xuất bản Kim Đồng là ấn bản giữ lại gần như nguyên vẹn bản dịch của các học giả Đinh Gia Khánh và Nguyễn Ngọc San. 36 truyện trong Lĩnh Nam chích quái gồm những truyện thần tích, thần phả từ thời Hồng Bàng cho đến đời Trần. Đó là truyện về Âu Cơ - Lạc Long Quân, truyện cây cau, truyện núi Tản Viên… Đây cũng là ấn bản đầy đủ nhất về tư liệu, khảo cứu. |