Rủ nhau ra phường đọc sách

Phòng đọc sách của phường Bình Trưng Tây, quận 2 (TP.HCM) được thành lập từ tháng 10-2013 với kinh phí ban đầu gần 60 triệu đồng do GS-BS Nguyễn Thị Ngọc Phượng, nguyên Giám đốc BV Từ Dũ TP.HCM, tài trợ.

Nơi đây được trang bị máy tính, máy lạnh, bàn ghế ngồi đọc phù hợp với tầm mắt của từng lứa tuổi. Trên các kệ có khoảng 5.000 đầu sách với khoảng 2.000 cuốn (cả tiếng Việt lẫn tiếng Anh) về các lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, kinh tế, văn hóa, xã hội, tin học, pháp luật, sức khỏe, sách thiếu nhi, sách giáo khoa…

Ngoài phục vụ việc đọc cho người dân, đây còn là nơi để sinh hoạt cho phụ nữ và có những buổi dạy về sức khỏe, giới tính... do BS Phượng chủ trì.

Mê sách, bỏ iPad

Từ ngày mở cửa, phòng đọc sách như ngôi nhà chung của những người dân ở phường Bình Trưng Tây.

Người lớn tuổi đến vào buổi sáng để nghe ngóng tin tức. Các cụ ngồi xích lại gần nhau để một cụ mắt sáng cầm báo đọc to từ tin này đến tin khác cho các cụ còn lại nghe, rồi ngồi bàn luận xôn xao.

Các chị em phụ nữ thường đến vào buổi giữa trưa hay xế chiều để đọc những cuốn sách về sức khỏe, nấu ăn, sách pháp luật, sách tâm lý... và trao đổi, học hỏi kinh nghiệm. Có chị đến để phụ giúp nhân viên phòng đọc xếp lại mấy cuốn sách cho ngay ngắn, sắp xếp bàn ghế, lau chùi sàn nhà. Có chị đến ủng hộ mấy cuốn sách, báo cho phòng đọc, giúp các chị em khác trong phường có thêm kiến thức.

Vì bận học trên lớp, các em học sinh thường đến vào buổi chiều. Cứ tan trường, đứa tự đạp xe đến, đứa được cha mẹ chở đến rồi ùa vào phòng đọc tìm cuốn sách mình thích ngồi đọc say sưa. Có đứa đến để được ngồi trên máy vi tính mày mò thêm các kiến thức về vi tính mà ở trường chưa học kịp. Phòng đọc nhộn nhịp hơn vào hai ngày cuối tuần. Có hôm người đến đọc đông, chẳng đủ chỗ ngồi nhưng mỗi người nhường nhau một tí, tất cả lại đâu vào đấy.

Bé Tú Anh (sáu tuổi) đang hí hoáy tô tượng cho biết: “Em thích đến đây tô tượng và được các anh chị đọc sách cho nghe. Hồi trước, đi học về em mê xem iPad, giờ thì đến đây có nhiều trò chơi vui hơn”.

Không chỉ học sinh, các chị em phụ nữ, các cụ già mà cả nam giới cũng thường ghé vào đây tìm cuốn sách ưng ý.

Phòng đọc sách của phường ngày nào cũng thu hút nhiều người lớn và trẻ em đến thưởng thức. Ảnh: NT

Niềm vui của nhân viên không lương

Phòng đọc có lịch mở cửa từ 8 giờ đến 17 giờ nhưng ngày nào cũng phải đến tối mịt người đọc mới về hết. Có hôm phải đến 20, 21 giờ cô Xuân mới đóng cửa ra về. Công việc chẳng có lương, lại chiếm nhiều thời gian dành cho gia đình nhưng với cô Xuân đó là niềm vui.

Cô Xuân khoe: “Ở đây vui lắm. Hôm nào cũng như ngày hội vậy. Nhiều khi tôi cứ xem đây như nhà mình. Nhìn các cháu cầm sách đọc say mê, chốc chốc ngước lên hỏi cái này cái kia, mình hướng dẫn, giải thích nên thời gian cứ trôi qua cái vèo. Có đứa đọc chưa xong cuốn sách, năn nỉ cho mượn về nhưng theo quy định của phòng đọc chỉ được đọc tại chỗ, tôi đành hướng dẫn các em đóng dấu hôm sau ra đọc tiếp. Mấy đứa nhỏ không biết chữ, thấy các anh chị đọc cũng cầm một cuốn sách ra kêu bà Xuân đọc cho nghe’’.

Cô Xuân cho biết khi mới mở phòng đọc, để thu hút các em nhỏ đến cô phải mua sữa, bánh kẹo, bim bim để dụ. Nhưng hôm nay thì khác, vì bận chuẩn bị cho buổi bầu cử vào ngày 22-5, công việc cứ bù đầu, cô chẳng có nhiều thời gian để mở cửa. Chuông điện thoại của cô cứ reo suốt, nội dung chỉ là: “Sao cô không mở cửa phòng đọc”. “Bà ơi! Tụi con đang chờ bà trước cửa phòng đọc nè, bà đến mở cửa đi’’. Gác công việc sang một bên, cô vội vàng đến mở cửa phòng đọc để phục vụ nhu cầu người đọc.

Từ ngày có phòng đọc, tình trạng mê game, chơi bời, tụ tập của các em nhỏ giảm rõ. Cha mẹ đi làm về không thấy con thể nào cũng lên phòng đọc tìm.

Chị Hồ Thị Mỹ Hương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 2, cho biết dự tính trong năm 2016, hội sẽ cùng với UBND quận tiếp tục vận động kinh phí nhằm nhân rộng mô phòng đọc sách miễn phí tại hai phường An Phú và Thạnh Mỹ Lợi. Đây là hai phường có số dân lao động nhập cư đông. Việc mở cửa các phòng đọc phục vụ miễn phí nhằm xây dựng được môi trường đọc thân thiện, lan tỏa thói quen đọc sách của người dân, từ đó phát triển văn hóa đọc tại cộng đồng. Toàn bộ sách sẽ được phía hội, ủy ban cung cấp hoặc nhận từ sự ủng hộ của người dân. Số sách sẽ được thay đổi thường xuyên để làm mới thông tin cho người đọc.

Ngày 2-3 rồi, UBND phường 16, quận Gò Vấp cũng đã ra mắt phòng đọc sách tại Trung tâm Học tập cộng đồng với mục đích phục vụ và nâng cao tri thức cho người dân đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời của người dân. Tuy lượng sách tại phòng đọc còn khiêm tốn song cũng khá phong phú với các thể loại sách lịch sử, sách tham khảo, các tác phẩm văn học, truyện ngắn, truyện cổ tích, truyện tranh cho thiếu nhi… Phòng đọc này mở cửa các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu hằng tuần để phục vụ người dân.

__________________________________

800 điểm đọc sách tại các phường, xã, khu phố hiện có trên địa bàn TP.HCM (theo báo cáo của Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM). Nguồn sách chủ yếu là vận động, quyên góp. Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP.HCM, cho rằng: ‘’Không có sách là không có tri thức’’. Việc phát triển thư viện, phòng đọc, coi trọng, đầu tư cho văn hóa đọc là điều cần quan tâm song song với việc phát triển kinh tế. Bởi bất kể lĩnh vực nào, mỗi người cũng cần đến nguồn tư liệu, kiến thức để bổ sung, cập nhật, bồi dưỡng thêm tri thức cho mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm