Ở truyện Nguyễn Nhật Ánh, mọi niềm vui, nỗi buồn đều có khi rất giản đơn, vô cớ; vậy làm sao biến cái vô cớ trở thành nguyên cớ cho một tình tiết trong phim có thể xem là thách thức lớn với người làm phim giỏi nghề.
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (ảnh) lấy nước mắt khán giả bởi nó thật, thật đến giản đơn như suy nghĩ của con trẻ, như những trò chơi vô tình đã để lại nhiều hậu quả khôn lường mà thằng anh trai tên Thiều trong phim cư xử với thằng em trai tên Tường.
10 người khán giả ở Sài Gòn xem Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh thì đã hết chín người khóc hoặc nước mắt chực tuôn trào bởi họ thấy tuổi thơ của họ ở đó. Khán giả ở Sài Gòn vốn là những người nhập cư, gốc gác họ ở những vùng quê mà rất nhiều đến từ quê miền Trung, vì thế những trò ngày nhỏ bắn bi, nhảy dây, thuyền nan, sâu lá, đá cỏ… đều là những trò chơi của ký ức.
Và điều làm những người nhập cư này rơi nước mắt bởi họ luyến tiếc cho con cái của họ, khi lớn lên ở Sài Gòn, ký ức tuổi thơ lại không phải là những trò chơi thiên nhiên đến từ sự thiếu thốn như trên. Ký ức tuổi thơ của con trẻ ở Sài Gòn không có con cóc tía để tưởng tượng là hoàng tử, công chúa, không có tiếng kẽo kẹt của những rặng tre vặn mình, những mùa trăng thu cả xóm ngồi chơi lồng đèn lon, hay những truyền thuyết về con ma, ông kẹ…
Một khán giả 8x là người Sài Gòn rặt sau khi coi Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã viết rằng: “Hai anh em trong phim ngày nhỏ chơi mấy trò dễ thương lắm, sao tao với mày ngày nhỏ toàn chơi con thú, bắn điện tử với luyện phim bộ Năm anh em siêu nhân, Na Tra rồi Phương Thế Ngọc không vậy hử”, rồi anh tag (dán nhãn) em trai mình cho câu hỏi đó.
Có lẽ không chỉ với người ở quê đến phố, mà cả với người ở phố, Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh đã đem đến ký ức, hoặc hơn cả là vẽ nên một bầu trời tuổi thơ khác cho người xem. Lấy nước mắt khán giả thời nay đã khó, lấy nước mắt từ sự giản đơn, như không, e rằng còn khó bội phần…
QUỲNH TRANG