Xã Thiết Ống (huyện Bá Thước, Thanh Hóa) giữa ngày đông giá rét mưa phùn đâu đâu cũng chỉ một màu khăn tang trắng xóa. Ánh mắt ngơ ngác của những đứa trẻ chưa hiểu chuyện, giọt nước mắt đớn đau của những người vợ mất chồng, cha mất con và cả những người hàng xóm vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ sập mỏ đá ở Thanh Hóa làm tám người chết. Họ nói rằng chưa bao giờ xứ Mường đón nhận tang thương đớn đau nhiều đến thế.
Bản Cú khổ lắm!
Dòng người đeo khăn tang trắng mỗi lúc một đông, họ lầm lũi lén gạt những giọt nước mắt những ngày cận tết đi giữa núi rừng thê lương. Anh Đinh Văn Hoàng vĩnh viễn ra đi, để lại người vợ sau 10 năm cưới nhau nhưng vẫn chưa thể có một mụn con. Nằm ngay bên cạnh chiếc quan tài chồng, không thể gượng dậy, chị Tính vợ anh Hoàng khóc khô cạn nước mắt, trách móc chồng nói làm đến tết về dành dụm tiền đi bốc thuốc để chữa bệnh, sinh con nhưng anh đã không giữ lời, người ở lại biết sống làm sao... Khi những người thân buộc quan tài vào hai cây luồng đi khuất về phía núi, chị ngất đi.
Bà Hà Thị Dung, là thím của hai người cháu cùng chết trong một ngày là Trương Văn Danh, Đinh Văn Hoàng, tâm sự cả cháu nhà đều rất nghèo nên hai đứa rủ nhau xuống Yên Lâm đi làm thuê cho mỏ đá. Mỗi ngày ông chủ trả lương 180.000-200.000 đồng. “Bản Cú khổ lắm chú ơi, chưa bao giờ bản tôi đón nhận đau thương đến thế” - bà Dung nói trong nước mắt.
Trời mỗi lúc một rét đậm, mưa phùn vây quanh ngôi nhà nạn nhân thứ hai được tìm thấy dưới đống đổ nát - anh Trương Văn Danh. Ông Trương Văn Đức, cha ruột của anh Danh, cho biết: “Gia đình là hộ cận nghèo nên Danh nó mới phải xa nhà làm thuê để chăm lo cho hai đứa con đều đang học mẫu giáo. Cách đây hai tháng nó về nhà còn nói rằng nhà mình nghèo nên cố gắng làm kiếm tiền nuôi con ăn học cho bằng người ta, rồi sửa sang lại ngôi nhà tranh đã xuống cấp…”.
Trong khi nhiều người đến chia buồn với gia đình, chị Túc - vợ anh Trương Văn Danh cố gắng gượng dậy đi đến bàn thờ của chồng nhưng người thân đều cản vì sức khỏe của chị quá suy sụp, sợ chị không thể vượt qua được nỗi đau. Chị cố gắng gượng, cố thuyết phục để được nhìn di ảnh của chồng, để rồi chị cứ lịm đi dần. Trong lúc chị ngồi trước di ảnh của chồng, hai đứa con của chị chạy vào ngơ ngác rồi đòi điện thoại của mẹ để gọi cho cha về. Những người thân chứng kiến chỉ biết giấu nước mắt vào trong...
Hiện trường vụ tai nạn lao động thảm khốc. Ảnh: Đ.TRUNG
Bản Cú chưa bao giờ đau thương đến thế. Ảnh: Đ. TRUNG
Nỗi đau ngày cận tết
Một trong những người có mặt sớm ở hiện trường là ông Phạm Ngọc Đức kể lại khoảng 11 giờ trưa, khi nhận được tin báo, ông tức tốc quay lại hiện trường và cảnh tượng ông chứng kiến là một đống đổ nát. “Nhiều thi thể không còn nguyên vẹn bị vùi lấp dưới đống đất đá. Phải mất một lúc tôi mới trực tiếp tham gia giúp đỡ đưa những nạn nhân ra bên ngoài” - ông Đức rớt nước mắt kể lại. “Đã 20 năm theo nghề thợ đá, hằng năm ở địa phương thường có các vụ tai nạn nhưng đây là vụ tai nạn nghiêm trọng nhất từ trước đến nay xảy ra tại xã Yên Lâm” - ông Đức khẳng định.
Ông Phạm Ngọc Tưởng, Trưởng bản Cú, tâm sự: “Đây là lần đầu tiên trong bản có ba người chết cùng một ngày là những người trẻ tuổi, các cháu đều là trụ cột trong gia đình. Hôm nay chúng tôi phải chia người đi đào huyệt, chia thời gian để đi đưa họ về nơi an nghỉ cuối cùng. Tất cả họ đều là những người trai trẻ, lao động chính trong gia đình”.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, tối 23-1, ông Nguyễn Văn Bình - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Định xác nhận sau nhiều nỗ lực tìm kiếm, lực lượng cứu hộ đã phát hiện thêm một nạn nhân trong vụ sập mỏ đá. Hiện chính quyền địa phương và ngành chức năng đang làm các thủ tục để bàn giao thi thể cho gia đình nạn nhân.
Cũng theo ông Bình, đến khoảng 15 giờ 45, lực lượng tìm kiếm cũng đã phát hiện thêm một phần thi thể. Tại vị trí phát hiện một phần thi thể được cho là của ông Trần Văn Năm có một chiếc bao da điện thoại, tuy nhiên theo gia đình nạn nhân, từ trước đến nay ông Năm không dùng bao da điện thoại này nên gia đình vẫn chưa đồng ý và đề nghị tiếp tục tìm kiếm. Đến khoảng 18 giờ cùng ngày, nạn nhân Trần Văn Năm đã được tìm thấy, cơ quan pháp y cũng đang khám nghiệm tại hiện trường và khám nghiệm tử thi. Như vậy bảy nạn nhân tử vong đã được bàn giao cho các gia đình đưa về quê mai táng. Theo ông Bình, chính quyền địa phương và các ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa hỗ trợ mỗi người tử vong hơn 27 triệu đồng, người bị thương hơn 15 triệu đồng.
Rời Thiết Ống trở về, sương trắng còn phủ kín khắp bản làng khi những tiếng vợ gọi chồng, con gọi cha trong khói lam chiều càng khiến cho người dân nơi đây thêm thắt nỗi đau giữa những ngày cận tết.
Danh tính những người bị tử vong trong vụ tai nạn lao động thảm khốc Tám người tử vong trong vụ sập mỏ đá đã được tìm thấy là Trương Văn Danh (SN 1983), Lê Văn Quảng (SN 1981), Phạm Văn Trường (SN 1988), Hà Văn Đức (SN 1979), Đinh Văn Hoàng (SN 1982) ngụ Thiết Ống (Bá Thước, Thanh Hóa); Trần Như Dũng (SN 1961) ngụ huyện Đông Sơn (Thanh Hóa); Trần Văn Năm (SN 1963) ngụ huyện Yên Định (Thanh Hóa). Thủ tướng chỉ đạo điều tra vụ sập mỏ đá Chiều 23-1, Thủ tướng Chính phủ có công điện về việc tìm kiếm, cứu nạn các nạn nhân vụ sập mỏ đá tại xã Yên Lâm, huyện Yên Định, Thanh Hóa. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị nạn và yêu cầu tổ chức thăm hỏi, động viên, cấp cứu người bị thương; hỗ trợ, tổ chức an táng chu đáo đối với những người bị thiệt mạng. Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh điều tra, xác định rõ nguyên nhân sự cố sập mỏ đá và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Bộ Quốc phòng, Bộ Xây dựng, Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn và khắc phục hậu quả vụ tai nạn theo quy định. Trao đổi với Pháp Luật T.HCM, Đại tá Lê Trung Hiếu, người phát ngôn Công an tỉnh Thanh Hóa, cho biết hiện cơ quan điều tra đang tích cực làm rõ nguyên nhân xảy ra vụ sập mỏ đá thảm khốc làm tám người chết và hiện chưa khởi tố vụ án. |