Nằm sâu trong hẻm 199 đường Ngô Chí Quốc, phường Bình Chiểu, quận Thủ Đức là khu phòng trọ dành cho công nhân khá cũ kỹ, gồm hai dãy nhà úp mặt vào nhau với hàng chục phòng có diện tích 12 m2.
Vất vả tìm nhà trọ
Anh Thái Văn Toàn, một công nhân đã thuê trọ được khoảng sáu tháng, cho biết căn phòng của anh bao gồm luôn nhà vệ sinh, bếp và một gác xép. “Tôi lên Sài Gòn làm công nhân đã hơn năm năm và cũng đã rất nhiều lần phải chuyển chỗ ở. Lương công nhân không được bao nhiêu nên tìm được căn phòng phù hợp túi tiền rất khó, có khi mất đứt nửa tháng lương chỉ dành cho chỗ ở” - anh Toàn nói.
Cùng cảnh ngộ, chị Lưu Nguyễn Huỳnh Như, công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam (Khu chế xuất (KCX) Linh Trung 1), cho biết trước đây chị từng thuê phòng tại một khu nhà trọ ở quận Gò Vấp. Mỗi tháng lương công nhân chỉ được tầm 5-6 triệu đồng nhưng đã phải mất 1,5 triệu đồng cho tiền thuê trọ, chưa kể tiền ăn và các khoản chi phí khác.
Với những người có gia đình và con nhỏ như anh Nguyễn Đông Huy, công nhân tại KCX Linh Trung 2 thì việc tìm nhà trọ phù hợp cho cả nhà là không dễ. Anh Huy phải chấp nhận thuê một chỗ ở chật chội, hơn chục mét vuông. Các con của anh cũng không có chỗ vui chơi ngoài lối đi chung giữa hai dãy trọ.
Công nhân trong khu lưu trú của Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam tại KCX Linh Trung 1. Ảnh: VIỆT HOA
Nhà lưu trú, cứu cánh cho công nhân
May mắn hơn đa phần công nhân, sau một thời gian ở trọ, chị Lưu Nguyễn Quỳnh Như đã được chuyển vào ở tại khu lưu trú công nhân của Công ty Nissei nằm ngay trong KCX Linh Trung 1. Đây là khu nhà ở do Công ty Nissei đầu tư xây dựng với 1.200 chỗ ở và hoàn toàn miễn phí tiền nhà cho công nhân của họ. Không những thế, mỗi tháng chị Như còn được nhận thêm 300.000 đồng tiền hỗ trợ nhà ở của công ty để khuyến khích công nhân vào ở tại khu lưu trú. “Mỗi tháng tôi chỉ mất 25.000 đồng tiền điện, nước, ngoài ra tất cả tiện ích như máy giặt, nước uống, WiFi, giữ xe, thư viện, phòng tập thể dục đều miễn phí. Không chỉ tiết kiệm được một khoản tiền nhà đáng kể mà tôi còn được sử dụng rất nhiều tiện ích phục vụ cho đời sống. Vì vậy, tôi rất yên tâm gắn bó lâu dài với công ty” - chị Như nói.
Tương tự, anh Nguyễn Đông Huy sau nhiều năm ở trọ cũng đã tìm được nơi ở ưng ý là một căn hộ 35 m2 tại khu lưu trú công nhân Thiên Phát, KCX Linh Trung 2.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, bà Huỳnh Thị Bạch Vân, Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Phát, cho biết khu nhà lưu trú nêu trên được xây dựng trên diện tích 5.000 m2 với 368 phòng để cho công nhân thuê. “Có hai dạng, vừa cho công nhân độc thân thuê dạng một phòng sáu người ở với sáu giường tầng. Dạng thứ hai là căn hộ có phòng ngủ cho gia đình công nhân thuê với giá cả vừa phải. Vì vậy, dự án của chúng tôi lúc nào cũng trong tình trạng lấp đầy, công nhân thường phải đăng ký trước, khi có người dọn đi mới có phòng cho thuê” - bà Vân cho hay.
Mất cả năm mới có một quyết định!
Theo ông Trần Công Khanh, Trưởng phòng Quản lý lao động Hepza, nhà lưu trú công nhân của các chủ doanh nghiệp có sử dụng lao động cũng như doanh nghiệp chuyên đầu tư mô hình này, đã đáp ứng rất tốt nhu cầu của người lao động. Hiện Nhà nước cũng đã có một số chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi đầu tư các dự án này như miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Tuy nhiên, ông Khanh cho biết khó khăn lớn nhất là vấn đề quỹ đất để xây dựng nhà ở. “Vì theo quy định, đất làm nhà ở phải nằm ngoài ranh KCX-KCN. Doanh nghiệp phải bồi thường, giải phóng mặt bằng mất rất nhiều thời gian mới triển khai được” - ông Khanh nói.
Trong khi đó về phía doanh nghiệp, bà Huỳnh Thị Bạch Vân cho biết thủ tục hành chính là một vấn đề rất đáng quan ngại. “Theo quy định, để UBND TP ra một quyết định thì phải qua rất nhiều sở, mỗi sở lại mất 20-30 ngày làm việc. Tổng thời gian cũng mất gần cả năm trời, vì vậy chúng tôi rất mong các sở, ngành TP làm sao để tinh giản nhất” - bà Vân kiến nghị.
Cùng với đó, theo tổng hợp của Hepza, doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội hiện mong muốn được áp dụng thuế suất ưu đãi thuế giá trị gia tăng (thuế suất 0%), miễn thuế thu nhập doanh nghiệp bốn năm, Nhà nước hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào dự án (giao thông, cấp điện, cấp nước…).
Nhằm tìm giải pháp để giải “cơn khát” nhà ở cho công nhân KCX-KCN, hôm nay, Pháp Luật TP.HCM tổ chức hội thảo “Nhà ở cho công nhân KCX-KCN” với sự tham dự của đại diện Sở Xây dựng, QH-KT, Liên đoàn Lao động TP, Ban quản lý các KCX-KCN TP.HCM… Theo Sở Xây dựng TP.HCM, TP hiện có tổng cộng 34 dự án xây dựng nhà lưu trú dành cho công nhân được hoàn thành với 5.514 phòng, đáp ứng gần 39.400 chỗ ở. Tuy nhiên, so với số lượng 258.000 công nhân có nhu cầu về chỗ ở, nhà lưu trú phục vụ công nhân mới chỉ đáp ứng được gần 15,3%. Từ nay tới năm 2020, TP.HCM có 19 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ công nhân. Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có 10 dự án hoàn thành với gần 6.200 phòng, đáp ứng hơn 40.500 chỗ ở. |