Các đội tuyển Việt Nam suốt hơn 20 năm qua đều rất e ngại bóng đá Thái Lan trong lúc giới hâm mộ vừa thích thú, vừa hồi hộp với những cuộc đối đầu với họ. Dường như ở khu vực Đông Nam Á, ai cũng ngán mỗi Thái Lan và khi nghe tin thầy trò Kiatisak sẽ “thả” AFF Cup 2016 để hướng tới cái đích xa hơn World Cup thì nhiều người mừng thầm. Điều này cũng đồng nghĩa với sự thừa nhận Thái Lan luôn là một đối trọng lớn nhất và “xương” nhất ở đấu trường khu vực.
Sau nhiều năm vô địch AFF Cup, bóng đá Thái Lan bắt đầu tính chuyện ngoi ra khỏi vùng trũng Đông Nam Á. Và nhân cơ hội vừa đoạt vé đầu bảng F vào chơi vòng loại cuối cùng Wolrd Cup 2018, bóng đá Thái Lan đã tính đến cái đích xa hơn là ưu tiên hàng đầu cho đội tuyển của họ dồn sức vào tranh chấp suất dự World Cup với những ông lớn châu Á thay cho “điệp khúc” làm bá chủ Đông Nam Á .
Những cầu thủ trẻ Thái Lan đã khẳng định chỗ đứng và thi đấu rất hay trong trận hòa trên chân trước Iraq. Ảnh: AFP
Trong khi người Thái không mặn mà với chiếc cúp ở “ao làng” thì các đội còn lại nháo nhác nhìn ra cơ hội lớn cho mình. Riêng với bóng đá Việt Nam thì tin này không thể tốt lành hơn khi giới chuyên gia lẫn cầu thủ thường mặc định chỉ thua mỗi Thái Lan. Ở AFF Cup 2008, việc thầy trò Calisto qua mặt Thái Lan ở chung kết lượt đi rồi sau đó lên ngôi vô địch chỉ là một tia lóe sáng bất ngờ trong một trận đấu. Còn lại nỗi ám ảnh mỗi lần đối diện người Thái đã diễn ra suốt hơn 20 năm với con số thống kê lạnh lùng đội tuyển Việt Nam chỉ hai lần thắng, hòa bốn, thua đến 15.
Và khi người Thái đã đoạt vé vào thẳng vòng chung kết Asian Cup 2019 với tư cách nhất bảng lẫn một suất chơi vòng loại cuối cùng World Cup 2018 thì thầy trò Nguyễn Hữu Thắng vẫn chỉ có một khát khao chơi chung kết AFF Cup 2016.
Thế nhưng cái chỉ tiêu của đội tuyển Việt Nam vào đá trận cuối cùng giải Đông Nam Á cuối năm nay có thành hiện thực hay không lại là chuyện khác. Tân HLV Hữu Thắng mới chỉ có hai trận chính thức. Đội tuyển ban đầu đã nhận được rất nhiều lời khen có tiến bộ hơn là chê bai, so với thời tiền nhiệm Miura. Vấn đề còn lại là cách chuẩn bị chiến dịch và nhân sự cho cuộc chinh phục đầy thách thức.
Bài học thua ngược Malaysia ở bán kết lượt về AFF Cup 2014 vẫn còn nóng hổi do hời hợt, chủ quan, khinh địch cho 90 phút quyết định. Thêm một điều đơn giản, đội tuyển Việt Nam dưới thời HLV Hữu Thắng có tiến bộ nhưng đối thủ chắc chắn không giẫm chân tại chỗ. Như Philippines mới đây thắng thuyết phục CHDCND Triều Tiên tại sân chơi vòng loại World Cup và Malaysia sau cuộc cải cách đã cho thấy sự tiến bộ đáng kể.
Cho nên có hay không có chuyện đội tuyển Thái Lan buông giải AFF Cup 2016 thì cái chính vẫn là nền tảng nhân sự của bóng đá Việt Nam phản chiếu qua giải vô địch trong nước. Vì cho dù HLV Hữu Thắng có chọn lối chơi phù hợp cỡ nào mà thiếu con người thực hiện nó thì cũng như không.
Niềm hy vọng lớn nhất của bóng đá Việt Nam lúc này gần như chỉ mong chờ vào lứa cầu thủ trẻ của HA Gia Lai đang dần trưởng thành sau khi tốt nghiệp Học viện Arsenal JMG. Cũng cần biết là bầu Đức từng học theo mô hình này của người Thái và quyết tâm theo đuổi suốt bảy năm mới cho ra lò một nhóm cầu thủ có nền tảng kỹ thuật cơ bản. Trong khi đó, bóng đá Thái Lan chỉ hai năm sau khi ứng dụng mô hình trên đã không còn duy trì kiểu “nuôi gà chọi” bởi nhận ra sự manh mún của cách làm đơn lẻ. Họ chú trọng phát triển đồng bộ nền bóng đá, từ phương thức cải tiến giải vô địch quốc gia cho đến hệ thống phương pháp đào tạo trẻ. Người Thái đã đi rất xa ngoài sân chơi Đông Nam Á, khác hẳn với bóng đá Việt Nam đang chạy ăn từng bữa. |