Chưa khi nào đội bóng của chúng ta có một hành trình sống động và nhiều cảm xúc thăng hoa như cuộc chinh phục vòng chung kết giải U-23 châu Á.
Từ góc chợ của các chị, các cô bán rau, bán cá cho đến những cuộc hội họp nghiêm túc tại các công ty, ở đâu cũng có một vài câu chuyện liên quan đến hành trình của đội tuyển U-23 Việt Nam. Chúng ta “ăn bóng đá, ngủ bóng đá”, hít thở bầu không khí lễ hội bóng đá cực kỳ giàu cảm xúc những ngày qua.
Và những cung bậc cảm xúc đó đã được thổi vào những đề văn ở các trường học bậc phổ thông.
Sáng 26-1, cô Nguyễn Thị Hà, giáo viên văn Trường THPT Quỳnh Lưu 4 (Nghệ An), cho biết cô ra đề thi để học trò phân tích về vai trò của HLV Park Hang-seo dựa trên một bài bình luận sau trận bán kết đăng trên báo.
Theo cô, đề văn xuất phát từ niềm đam mê bóng đá, từ lòng yêu quý đối với HLV đội tuyển U-23 Việt Nam. Khi học sinh (HS) nhận đề, các em reo hò sung sướng. Một phần vì cô giáo đã ra đề đúng tâm lý, mặt khác các em đều theo dõi trận đấu nên rất hào hứng làm bài.
Mới chỉ chấm điểm cho một nửa lớp nhưng cô cho biết phần lớn học trò đều đạt điểm tối đa vì ngoài việc am hiểu, có kỹ năng làm bài, các em còn thể hiện cảm xúc chân thật đối với đội tuyển U-23 Việt Nam và huấn luyện viên người Hàn Quốc.
Trước đó, đề ôn luyện văn dành cho HS lớp 12 của Trường THPT Trịnh Hoài Đức (Bình Dương) cũng cho các em HS bày tỏ cảm xúc về các chàng trai tuyển U-23 Việt Nam, gợi mở để các em suy nghĩ về sức mạnh của thể thao.
Những đề văn nói trên mang đầy hơi thở cuộc sống. Khó có điều gì nhận được sự quan tâm và cuồng nhiệt như thể thao, khó có điều gì dễ dàng gắn kết con người như thể thao.
Việc đưa bóng đá vào đề văn trong nhà trường là một hướng đi rất thú vị, giúp các em bày tỏ cảm xúc, góc nhìn của mình về đời sống thể thao. Những HS sâu sắc hơn có thể bày tỏ quan điểm của mình về tinh thần dân tộc, quan điểm về cái Tôi và cái Ta trong một tập thể, quan điểm về bài học của thất bại, khổ luyện và thành công… Thể thao không chỉ là cuộc chơi của thể lực và cảm xúc, nó chứa đựng rất nhiều bài học về cuộc sống.
Thời gian qua, nhiều người từ bất ngờ, ngạc nhiên, phản ứng ban đầu đã chấp nhận và ủng hộ những đề văn mang đậm dấu ấn, hơi thở của cuộc sống. Văn học cũng là nhân học, chính là môn học dạy chân thiện mỹ và dạy làm người. Vì vậy, việc giảng dạy văn cần mang hơi thở của cuộc sống thay vì chỉ là một tháp ngà.
Tuy vậy, có những đề văn dù khá mở nhưng vẫn gây tranh cãi, như đề văn về cô ca sĩ Chi Pu của một trường học. Đó không phải là một đề văn chưa đạt, cũng chẳng phải là một đề văn hay. Bởi lẽ văn học cần tác động đến người học bằng những cảm xúc thẩm mỹ và những bài học về cuộc sống. Một cô ca sĩ gây tranh cãi khó có thể tạo ra nhiều cảm xúc thẩm mỹ, khó có thể giúp các em chắt lọc những bài học nhân sinh.