Ngày 3-4, Cổng thông tin điện tử Chính phủ đăng tin Văn phòng Chính phủ đưa vào hoạt động Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tại địa chỉ nguoidan.plo.vn. Mục tiêu của hệ thống này nhằm hiện thực hóa quyết tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chỉnh phủ về xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt phục vụ nhân dân.
Theo đó, chỉ cần một máy tính kết nối mạng, ai cũng có thể nói với Chính phủ những suy nghĩ của mình về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính không phù hợp với thực tế, không đồng bộ, không thống nhất, không hợp pháp, trái với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập. Người dân cũng dễ dàng phản ánh những hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính.
“Với tinh thần cầu thị, mọi phản ánh, kiến nghị của người dân đều được Chính phủ lắng nghe; Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, tổng hợp, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành, địa phương trong việc tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân” - Văn phòng Chính phủ cam kết.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với tuyên bố mạnh mẽ về việc xây dựng một chính phủ kiến tạo. Ảnh: Internet
Năm vừa rồi, việc lắng nghe ý kiến người dân, doanh nghiệp từng được một số nơi hoặc lĩnh vực thực hiện, tiêu biểu như ngành y tế và TP Đà Nẵng. Đó là những tín hiệu tích cực mang tính chỉ báo về nỗ lực cải cách hành chính đặt tiêu chí hàng đầu là lợi ích người dân. Cuối năm rồi, Chính phủ cũng ra mắt kênh tương tác với doanh nghiệp ở địa chỉ http://doanhnghiep.plo.vn/, hoạt động từ ngày 1-10-2016 nhằm tiếp nhận và trả lời những kiến nghị của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nói một cách hình tượng thì những cánh én nhỏ này vẫn khá đơn độc trong việc khơi dậy một mùa xuân kiến tạo, phục vụ trong những ngành hoặc địa phương khác.
Thì nay, Chính phủ chính thức kích hoạt quyết tâm hiện thực hóa việc đổi mới nền hành chính thông qua địa chỉ nguoidan.plo.vn. Và với việc lần đầu tiên sử dụng khái niệm “tương tác”, bộ máy hành pháp đã đặt tiêu chí “trao đổi” lên hàng đầu.
Nghĩa là thói quen ứng xử với thông tin phải thay đổi, không còn lối tiếp nhận một chiều mà thay vào đó là thiện chí sẵn sàng đối thoại để tiệm cận sự hợp lý nhất có thể.
Có thể có lo ngại xuất hiện một số vấn đề như tư duy quan chức hãy còn nặng nề, sự đánh giá thông tin của bộ phận tiếp nhận còn mang tính chủ quan, quy trình tiếp nhận và phản hồi ý kiến chưa thực sự trơn tru...
Những giả định này nếu có sẽ khiến con đường xây dựng một chính phủ lắng nghe, giải quyết triệt để nhu cầu của người dân không được thênh thang và thông suốt như kỳ vọng. Tuy nhiên, trước mắt đã thấy những lợi ích rõ ràng từ kênh tiếp nhận và phản hồi ý kiến người dân này mang lại.
Đó là sự tái hiện một “Hội nghị diên hồng” trong thời đại ngày nay. Những tâm tư của người dân từ nỗi buồn bị chậm trễ trong giải quyết thủ tục hành chính đến cảm nhận về cơ chế, chính sách đều có thể đến tai người đứng đầu chính phủ. Nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là chính là bản chất của nền dân chủ: “Dân chủ là để dân được mở miệng ra”.
Đó là một biện pháp “vi hành” hiệu quả của Chính phủ. Bởi thông qua tương tác, Chính phủ sẽ nghe rõ tâm tư, tình cảm, nguyện vọng, sáng kiến của mọi người mà không lo bất cứ một kênh trung gian nào làm nhiễu. Từ đây, mọi quyết sách sẽ ra đời trên cơ sở sát thực tiễn nhất.
Đó còn là một sự tiết kiệm thời gian và công sức của nhân dân. Theo đó, thay vì phải mang đơn đi nhiều cửa, nhiều cấp để có thể đạt được việc được công nhận ý kiến hoặc quyền lợi hợp pháp của mình thì người dân còn một lựa chọn khác với một chiếc máy tính kết nối mạng.
Vấn đề của họ sẽ được cấp có thẩm quyền cao nhất hướng dẫn hoặc lý giải thỏa đáng. Nói một cách dân dã, đây là hình thức lên tiếng vượt cấp nhưng đúng quy trình.
Với ít nhất ba cái lợi ở trên, chúng ta có căn cứ để tin rằng những bức xúc xã hội có nguyên nhân từ việc chính quyền xa dân sẽ dần bị loại trừ.