Từ nhiều năm qua VPF rất hào phóng và biết lấy lòng các CLB với những chuyến du học xôm tụ nhưng về thực hành ra sao lại là chuyện khác.
Đã từng có thời các nhà làm bóng đá Việt Nam (VN) dắt díu nhau qua Nhật học hỏi rồi trở về gật gù áp dụng mô hình tổ chức giải chuyên nghiệp của Nhật. Họ mời cả chuyên gia nước bạn sang để dạy và làm trưởng giải nhưng cuối cùng nửa đường gãy gánh. Họ sang Hàn, qua các CLB nổi tiếng ở trời Âu học gì không biết, chỉ biết V-League chưa thấy dấu hiệu khá khẩm theo một khuôn mẫu chuyên nghiệp nào cả.
Ví như suốt cả thập niên qua, các nhà quản lý và điều hành bóng đá VN đã làm gì với tình trạng một ông chủ ôm nhiều đội bóng, thao túng V-League mà vẫn ngậm bồ hòn làm ngọt? Lực lượng trọng tài đã được nâng cấp như thế nào để đến nỗi những cái sai mùa sau trầm trọng hơn mùa trước, thậm chí có chết người bởi sự tắc trách của Ban Trọng tài lẫn VPF.
VFF đã sửa sai gì trong cuộc hội thảo bị Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chất vấn V-League có lợi ích nhóm, có dàn xếp tỉ số, có tiêu cực không, Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn gật đầu nói có?
VPF du học và điều chỉnh các giải đấu mang tiếng chuyên nghiệp của mình ra sao mà ngược đời với thế giới khi V-League có đến 14 đội, hạng nhất chỉ có 10 đội, còn hạng nhì phình ra 13 đội. Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương hóm hỉnh và chua chát gọi đấy là thân hình của siêu mẫu, dù chẳng giống con giáp nào cả.
Ông Xương cũng nói thẳng bóng đá VN đang ăn theo lứa cầu thủ trẻ sau thành công ở giải U-23 châu Á và Asiad 18 nhiều quá. VFF gặm nhấm và lợi dụng đám trẻ như mài mòn một cây bút chì đến một lúc nào đó chẳng còn mà gọt. Trong khi đó, đẳng cấp đội tuyển quốc gia là thước đo chính xác nhất cho năng lực của một nền bóng đá lẫn công cuộc đào tạo trẻ bị thả lỏng và không có một chiến lược cụ thể…
Thật lạ lùng, các nhà làm bóng đá VN mùa nào cũng tốn tiền tỉ du học bóng đá từ Á sang Âu nhưng mãi vẫn chưa thành tài!
Cứ nhìn cảnh rủ nhau đi học làm chuyên nghiệp mà xe cứu thương vào đến tận sân cỏ khi 22 cầu thủ có mặt đủ trên sân thì biết học gì và hành gì rồi.