Theo hồ sơ bà Nguyễn Thị Thu Thanh kiện yêu cầu bà Phạm Thị Khánh Hà bồi thường thiệt hại 200 triệu đồng với lý do khi bà Hà xây nhà đã làm lún sụt, nứt... gây thiệt hại cho nhà bà Thanh. Chồng bà Thanh là ông Dương Văn Phi (Viện trưởng VKSND TP Thủ Dầu Một, Bình Dương) được xác định và tham gia phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Bị đơn sợ không khách quan
Tháng 9-2018, TAND TP Thủ Dầu Một đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm, bị đơn là bà Hà vắng mặt. HĐXX nhận định khi bà Hà tiến hành ép cọc để làm móng xây nhà đã gây ra các vết nứt, xé tường gây thiệt hại cho nhà vợ chồng bà Thanh, ông Phi. Từ đó, HĐXX tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Thanh buộc bà Hà phải bồi thường hơn 196 triệu đồng. Tòa cũng tuyên đình chỉ các yêu cầu phản tố của bà Hà do bà Hà vắng mặt tại tòa.
Sau đó, bà Hà kháng cáo, yêu cầu hủy toàn bộ bản án sơ thẩm vì cho rằng tòa tuyên bà phải bồi thường như vậy là không đúng. Bà Hà cũng cho rằng công ty đơn vị giám định thiệt hại và giám định viên không có tên trong danh sách được quyền giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng.
Ngoài ra, bà Hà còn đề nghị chuyển vụ án lên TAND tỉnh Bình Dương để xét xử sơ thẩm vì ông Phi là viện trưởng VKSND TP Thủ Dầu Một thì việc TAND cùng cấp xét xử sơ thẩm vụ án là không khách quan.
Ngày 18-4 vừa qua, TAND tỉnh Bình Dương mở phiên tòa phúc thẩm nhưng phải tạm hoãn để chờ kết quả xác minh một số vấn đề liên quan đến vụ kiện. Dự kiến ngày 15-5, TAND tỉnh sẽ mở lại phiên xử phúc thẩm.
Nơi bà Hà đang thi công gây ảnh hưởng đến căn nhà của bà Thanh, ông Phi. Ảnh: Y.CHÂU
Chỉ rút hồ sơ nếu là vụ án hình sự
Luật sư (LS) Trịnh Văn Hiệp (Phó Chủ nhiệm Đoàn LS tỉnh Quảng Nam) và LS Phạm Bính Khiêm (Đoàn LS TP.HCM) nhận định, về thẩm quyền theo địa hạt thì TAND TP Thủ Dầu Một thụ lý và xét xử sơ thẩm là đúng. Do người liên quan đồng thời là chồng của nguyên đơn đang giữ chức viện trưởng VKSND cùng cấp nên bị đơn có cảm giác lo lắng liệu tòa có vô tư, khách quan khi xét xử. Từ việc lo lắng này, bị đơn yêu cầu chuyển vụ án lên TAND tỉnh giải quyết.
Tuy nhiên, bị đơn phải chứng minh việc không vô tư, khách quan này, từ đó TAND tỉnh mới xem xét, giải quyết. Nếu TAND tỉnh xét thấy cần thiết thì dù tòa cấp dưới không đề nghị TAND tỉnh vẫn có quyền lấy hồ sơ lên để giải quyết.
Về việc này, chánh án TAND một quận thuộc TP.HCM lại có nhận định khác. Ông này cho rằng tòa cấp tỉnh có thẩm quyền được rút hồ sơ của cấp dưới lên nhưng trong vụ án này, việc không rút hồ sơ lên cũng không ảnh hưởng tới quá trình xét xử vụ án. Bởi bản thân ông Phi tham gia vụ án này chỉ với tư cách người có quyền và nghĩa vụ liên quan.
“HĐXX hoàn toàn độc lập trong xét xử. Dù tại tòa đại diện VKS tham gia phiên tòa là cấp dưới của ông Phi thì cũng không phải là người quyết định đường lối giải quyết vụ án mà chỉ phát biểu ý kiến tại tòa. Nếu đây là vụ án hình sự thì tôi nghĩ cấp tỉnh cần xem xét việc rút hồ sơ lên vì lúc này viện trưởng là người có ảnh hưởng rất lớn trong việc đưa ra đường lối, quan điểm đề nghị truy tố bị cáo về khung hình phạt, tội danh” - vị chánh án nói.
Phải có căn cứ về việc không vô tư, khách quan Theo tôi, vụ án này không thuộc trường hợp phải thụ lý xét xử vượt cấp. Nguyên tắc mọi công dân đều phải công bằng, bình đẳng trước pháp luật. Khi vợ viện trưởng kiện người hàng xóm ra tòa thì vợ ông này là nguyên đơn, bản thân ông này là người liên quan trong vụ án chứ không phải ra tòa với tư cách là viện trưởng VKS. Nếu bị đơn cho rằng thẩm phán không công tâm, vô tư, khách quan trong quá trình xét xử (vì sự thân thiện, tình nghĩa với người trong ngành tố tụng…) thì có quyền yêu cầu thay đổi thẩm phán khác hoặc chuyển vụ án lên cấp tỉnh. Tuy nhiên, kèm theo yêu cầu thay đổi thẩm phán, hay chuyển hồ sơ lên cấp tỉnh thì buộc bị đơn phải có căn cứ chứng minh sự không vô tư, khách quan này. Do đó không phải trường hợp nào cũng dồn hồ sơ lên cấp tỉnh chỉ vì sự nghi ngờ chưa có căn cứ của đương sự. Ông VÕ VĂN THÊM, nguyên phó viện trưởng VKSND Cấp cao tại TP.HCM |