Lý do phu nhân cựu tỉnh trưởng - bà Vũ Thị Thanh Xuân bất ngờ bị bắt giam là vì tội làm “gián điệp” cho Việt Cộng.
Sâu bọ làm người
Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Sĩ bị đổi đi, bà Vũ Thị Thanh Xuân mất hoàn toàn chỗ dựa vững chắc. Tuy nhiên vẫn còn may mắn là có đại úy Nguyễn Tơ, Chi đội trưởng chi đội cơ giới, đàn em của trung tá Sĩ nhận lời bảo trợ mẹ con bà Xuân.
Bán nguyệt san Bình Tuy năm 1967.
Thời điểm đó ở Bình Tuy ai cũng biết ông Nguyễn Tơ xuất thân từ một tay nịnh bợ để leo lên chức đại úy. Ông ta nổi tiếng trong việc ăn cắp xăng nhớt trong đội xe để ăn chơi trác táng thâu đêm suốt sáng.
Từ khi được đàn anh gởi chăm sóc bà Vũ Thị Thanh Xuân và các con, đại úy Tơ vui ra mặt vì được hầu hạ người phụ nữ nổi tiếng nhất tỉnh Bình Tuy.
Một lần, đại úy Tơ lái xe đưa “chị dâu” đi làm tóc ở La Gi. Do khách quá đông phải để phu nhân cựu tỉnh trưởng chờ đợi lâu, Tơ đã hách dịch chửi bới lung tung và túm đầu người thợ làm tóc đánh đến thừa sống thiếu chết.
Vụ việc ì xèo đến nỗi nhật báo Điện Tín ở Sài Gòn phải cử ký giả ra tận nơi đưa tin. Tờ báo đối lập này còn giựt tít “Thời loạn lạc, sâu bọ làm người” để ám chỉ và hài tội đại úy Tơ cậy thế làm càn.
Báo Điện Tín viết về đại úy Tơ.
Người đàn bà kín tiếng
Dù đại úy Tơ có hống hách, có cậy thế cậy quyền cỡ nào để đưa lưng ra bảo vệ “chị dâu” thế nhưng cấp bậc đại úy và chức vụ chi đội trưởng cơ giới tiểu khu của Tơ chỉ là cấp tép riu.
Tấm không ảnh kho báu Yoshida nghi vấn bà Vũ Thị Thanh Xuân đang giữ trong tay vẫn đang được rất nhiều nhân vật có thế lực chú ý. Đặc biệt là vào thời điểm quân Giải phóng tổng tấn công trên nhiều mặt trận, giải phóng Phước Long, phá rã nhiều đồn bót.
Nhiều quân nhân cao cấp trong Quân lực Việt Nam Cộng Hòa luôn khát khao có tấm không ảnh kho báu để tranh thủ khai thác nhằm mang số tài sản trên ra nước ngoài trước khi chế độ Sài Gòn sụp đổ.
Vì thế không lâu sau đó, Vũ Thị Thanh Xuân bất ngờ bị cảnh sát quốc gia bắt giữ và tống giam tại Tổng nha Cảnh sát. Theo lệnh bắt mà đích thân trung tá Đinh Văn Hạp, Chỉ huy trưởng Cảnh sát quốc gia tỉnh Bình Tuy thông báo tại văn phòng Ty cảnh sát thì bà Xuân có dấu hiệu làm gián điệp cho Việt Cộng.
Sau khi công bố lệnh bắt, một trực thăng quân sự khẩn cấp được điều đến chở phu nhân cựu tỉnh trưởng Bình Tuy trực chỉ Sài Gòn. Thế nhưng, vài ngày hôm sau tại Bình Tuy dư luận rộ lên cho biết thực chất vụ bắt giữ này chỉ là che đậy âm mưu chiếm tấm không ảnh kho báu mà cố tỉnh trưởng Lê Văn Bường để lại cho vợ.
Bà Vũ Thị Thanh Xuân.
Ngày 23-4-1975, Bình Tuy giải phóng. Nhớ lời dặn của đàn anh, đại úy Nguyễn Tơ cướp thuyền của ngư dân đưa bốn đứa con của bà Xuân vượt biển ra hạm đội của Mỹ và sau đó định cư ở Pháp.
Riêng phần bà Xuân, do quá kín tiếng nên dù thiếu tướng Nguyễn Khắc Bình, Tư lệnh Cảnh sát quốc gia cử ra những thuộc cấp giỏi nhất của tổng nha vẫn không khai thác được gì kể cả tội “gián điệp” lẫn những dữ liệu liên quan đến kho báu Căn cứ 6.
Ngày 30-4-1975, tù nhân trong các nhà lao tranh thủ cướp chìa khóa tháo bung cửa tù trở về với gia đình và bà Xuân là một người trong số đó.
Sau 1975, bà Xuân về La Gi sinh sống đến năm 1987 thì qua Pháp định cư theo diện bảo lãnh.
Nhiều người vẫn suy nghĩ rằng sau chuyến ra đi của người mệnh phụ xinh đẹp này thì “Kho báu Yoshida” sẽ mãi mãi là điều bí ẩn. Thế nhưng, những tấn vàng giai thoại trong kho báu này vẫn là lực hút ghê gớm dẫn đến nhiều cuộc thăm dò, tìm kiếm công khai có, lén lút cũng có.
Cho đến tháng 4-2008 xuất hiện một nhân vật mang quyết định ký chưa ráo mực là “cố vấn cấp cao” của một viện khoa học tiếp cận tọa độ kho báu.
Kỳ 4 - Cố vấn cao cấp xuất hiện