Bí ẩn 'kho báu' Căn cứ 6 được đánh thức:

Kho báu 6 tấn vàng: Cái chết của cựu tỉnh trưởng

Dư luận nghi ngờ vợ bé ông này giữ tấm không ảnh và không lâu sau bà này bị tống giam!

Chung rượu định mệnh

Đầu năm 1971, ông Bường đột ngột xuất hiện tại Bình Tuy sau hơn 10 năm biệt tích. Viên cựu tỉnh trưởng hùn vốn với ông Năm Khôi mở trại cưa ở Căn cứ 5 (giáp ranh Bình Thuận-Đồng Nai) và làm một trang trại ở Căn cứ 6 hay còn gọi là cây số 58 (thị trấn Tân Minh ngày nay).

Chiếc xe Falcon của cựu tỉnh trưởng Bình Tuy.

Dù là một tỉnh trưởng bị phế truất nhưng ông Bường khá sành điệu, ban đêm luôn chở người vợ bé xinh đẹp dạo quanh tỉnh lỵ Bình Tuy trên chiếc Falcon đen bóng loáng còn ban ngày viên cựu tỉnh trưởng tự tay lái chiếc Daihatsu lên Căn cứ 6 để “làm rẫy” (chiếc Falcon này sau đó đã được một chủ khu du lịch Coco Beach Camp ở thị xã La Gi (Bình Thuận) sưu tầm mua lại và trưng bày).

Thế nhưng đến cuối năm 1973, ông Bường được một số người Nhật mời vào Sài Gòn tiếp kiến. Và chỉ sau một chung rượu khai cuộc, viên cựu tỉnh trưởng bỗng ôm ngực kêu khó thở và chết ngay trên đường khi chưa kịp đưa đến Bệnh viện Nguyễn Văn Học (Gia Định) cấp cứu.

Nhiều thông tin từ người nhà cho biết đây chỉ là chuyện đồn thổi để gắn liền với câu chuyện kho báu Căn cứ 6. Thực tế đêm đó ông Bường có dự tiệc rượu sau đó ông Bường đã quay về một căn nhà khác của mình ở Gia Định. Tuy nhiên khi vào phòng tắm, ông Bường mới đổ gục và được đưa đến Bệnh viện Nguyễn Văn Học nhưng chết trên đường đi cấp cứu.

Sau cái chết đầy uẩn khuất của ông Lê Văn Bường, mọi chú ý đều đổ dồn vào bà Vũ Thị Thanh Xuân, vợ bé viên cựu tỉnh trưởng bởi bà Xuân là người gắn bó suốt thời gian ông Bường về nhận chức Tỉnh trưởng Bình Tuy cùng những hoạt động sau này của chồng trên vùng đất Căn cứ 6.

Nhiều tin tức lúc đó còn khẳng định chính bà Xuân mới là người đang giữ tấm không ảnh “Kho báu Yoshida”.

Cô hoa khôi trường trung học

Năm 1957, khi ông Bường đến nhận chức Tỉnh trưởng tỉnh Bình Tuy cũng là lúc Trường trung học Bình Tuy được thành lập. Trong hàng trăm nữ sinh với tà áo dài duyên dáng đến trường, ai cũng dễ nhận ra cô hoa khôi Vũ Thị Thanh Xuân học lớp Đệ ngũ với sắc đẹp rực rỡ và lối nói chuyện cuốn hút người đối diện.

Thời đó, người ta còn dám so sánh sắc đẹp của cô hoa khôi Trường trung học Bình Tuy với “Đệ nhất phu nhân” Trần Lệ Xuân hay với “Người đẹp Bình Dương” minh tinh điện ảnh Thẩm Thúy Hằng.

Chính cái nhan sắc vượt trội của mình nên cô hoa khôi Vũ Thị Thanh Xuân đã lọt vào tầm ngắm của tay tân tỉnh trưởng dù ông ta đã có vợ, con và đã bước vào tuổi trên 40.

Năm 1959, ông Bường lấy bà Xuân làm vợ bé và đưa cô hoa khôi ngày nào vào Sài Gòn ở hẳn. Khi ông Bường bị điều chuyển đi Lao Bảo và sau đó nổ ra cuộc đảo chính nhiều người đã không còn nhìn thấy đôi vợ chồng này nữa.

Sau này bà Xuân cho biết suốt thời gian trên ông Bường thay tên đổi họ thành Tôn Thất Bình để tránh phe đối lập do tướng Đỗ Cao Trí dẫn đầu tầm nã nhằm cướp lại tấm không ảnh. Vợ chồng ông Bường và bốn đứa con gồm một trai, ba gái sống ẩn náu ở một khu đất biệt lập ở vùng Tân Sơn Nhì, Gia Định.

Bà Vũ Thị Thanh Xuân. Ảnh tư liệu.

Năm 1971, ông Cao Xuân Vỹ một người quen thân với cựu thỉnh trưởng Lê Văn Bường ra ứng cử dân biểu ở Bình Tuy. Nhờ thế lực này ông Bường đưa vợ con về La Gi, Bình Tuy tiếp tục nuôi hy vọng về kho báu cho đến khi bị chết sau chung rượu bí ẩn của những người Nhật mà nhiều người đồn thổi.

18 năm 11 đời tỉnh trưởng

Bình Tuy dù là tỉnh nhỏ mới thành lập nhưng lúc đó được xem là nơi phức tạp nhất trong bốn vùng chiến thuật. Chính vì thế nên từ 1957-1975, chỉ 18 năm đơn vị hành chính này tồn tại đã có đến 11 đời tỉnh trưởng và ông Bường là đời đầu tiên cũng là đời tỉnh trưởng lâu nhất.

Tháng 3-1974, trung tá Tỉnh trưởng Nguyễn Ngọc Ánh do tham ô tiền triệu nên bị Quân đoàn III rút về và cử trung tá Nguyễn Văn Sĩ lên thay. Lúc bấy giờ, bà Xuân, phu nhân cố tỉnh trưởng đã bước vào tuổi 32 nhưng sắc đẹp của người thiếu phụ này lại càng lộng lẫy hơn.

Mỗi chiều, với chiếc áo dài đen đầy u buồn, người mệnh phụ này ngồi trên chiếc Falcon đen được một tài xế người Đại Hàn lái chỉ với một lộ trình vòng quanh thị xã La Gi mà ngày xưa chồng mình thường chở như để tiếc nuối một thời vàng son rồi trở về nhà. Dù đã có vợ con nhưng không lâu sau trung tá Sĩ vẫn công khai đi lại với bà Xuân và bà Xuân liền nhờ giúp đỡ.

Số là khi ông Lê Văn Bường đổi tên thành Tôn Thất Bình có đứng tên này gởi tiền vào Nam Việt ngân hàng hơn ba triệu đồng, một số tiền cực kỳ lớn vào thời điểm trên. Nay chồng chết, bà Xuân không có cơ sở để rút tiền trong nhà băng này ra để nuôi con.

Nghe người đẹp nhỏ to tâm sự, lập tức trung tá Sĩ cho triệu một số luật sư ở Bình Tuy đến để bàn bạc. Chỉ vài ngày sau, tỉnh trưởng Nguyễn Văn Sĩ chỉ đạo cho thuộc cấp là ông Võ Hữu Lạc, xã trưởng xã Châu Thành-Phước Hội, quận Hàm Tân làm một kết hôn giả giữa bà Xuân và Tôn Thất Bình ký năm 1970 sau đó đăng bố cáo ông Bình đã chết năm 1973.

Với kịch bản này bà Xuân đã dễ dàng đến nhà băng rút hết số tiền gởi mang tên Tôn Thất Bình.

Vụ việc trên sau đó bị bại lộ và trong khi thượng cấp chưa kịp xử lý trung tá Sĩ thì ngày 25-12-1974, quân cách mạng tấn công và chiếm giữ huyện Tánh Linh, tỉnh Bình Tuy. Quân cách mạng đã tiêu diệt hoàn toàn một tiểu đoàn lính bảo an; một trung đội pháo 105ly; hai trung đội thám kích và cảnh sát, 8 trung đội dân vệ và bắn cháy một trực thăng, nhiều xe tăng, thiết giáp, thu giữ trên 1.000 súng các lọai.

Trận đánh này đã giáng một đòn quá nặng nề bởi trung tướng Dư Quốc Đống, nguyên Tư lệnh sư đoàn dù vừa mới nhận chức Tư lệnh Quân đoàn III chưa đầy hai tháng từ tay trung tướng Phạm Quốc Thuần.

Do để mất đất vào tay Việt Cộng và dính dáng trong mối tình với bà Vũ Thị Thanh Xuân, ngày 13-1-1975, Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Sĩ bị Quân đoàn III rút về “an dưỡng” và Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cử đại tá Trần Bá Thành, Trung đoàn trưởng trung đoàn 48, Sư đoàn 18 bộ binh về giữ chức Tỉnh trưởng Bình Tuy.

Trước khi bàn giao chức vụ, nhận thức được sự nguy hiểm sẽ đến với cô nhân tình vì trong bốn vùng chiến thuật đã râm ran về tấm không ảnh kho báu Căn cứ 6, trung tá Sĩ đã gởi cô nhân tình và các con cho đại úy Tơ.

Nguyễn Tơ lúc đó đang là Chi đội trưởng Chi đội cơ giới Tiểu khu Bình Tuy và là đàn em thân cận của trung tá Sĩ nên đã nhanh chóng nhận lời.

Kỳ 3: Phu nhân tỉnh trưởng bị tống giam

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm