Theo báo cáo của Vụ Nghiệp vụ 1 (Tổng cục Thi hành án (THA) dân sự, Bộ Tư pháp), liên quan đến tín dụng ngân hàng, người phải THA thường cố tình chống đối việc THA bằng nhiều cách như không nhận quyết định THA, thay đổi hiện trạng tài sản, cản trở việc xác minh, kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản…
Bội ước, liên tục khiếu kiện
Có vụ khi cơ quan THA kê biên tài sản thế chấp là quyền sử dụng đất, người phải THA thỏa thuận là đồng ý di chuyển cây cảnh nếu có người mua trúng đấu giá. Nhưng khi có người trúng đấu giá và cơ quan THA chuẩn bị giao tài sản thì người phải THA lại không chịu di dời cây cảnh như thỏa thuận mà yêu cầu phải trả thêm tiền giá trị các loại cây cảnh.
Đặc biệt, một số trường hợp người phải THA cố tình khiếu nại, khiếu nại vượt cấp, liên tục khởi kiện nhằm mục đích trì hoãn việc THA.
THA gặp khó trong vụ một công ty dùng một kho cà phê để thế chấp cho bảy ngân hàng khác nhau để vay tiền. Ảnh: CTV
Chẳng hạn vụ THA của bà PTĐ với Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank). Vụ việc này dù đã bán đấu giá thành công tài sản đảm bảo nhưng người phải THA lợi dụng Điều 102 Luật THA dân sự để khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá.
Bản án có hiệu lực pháp luật của tòa đã tuyên buộc bà Đ. và người liên quan phải trả cho VietinBank 13,9 tỉ đồng cùng khoản lãi phát sinh. Nếu bà Đ. không trả được thì kê biên, bán tài sản thế chấp (gồm giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất) để THA. Tháng 9-2013, cơ quan THA dân sự đã kê biên, bán đấu giá thành và người mua đã nộp đủ số tiền. Tuy nhiên, bà Đ. liên tục nại ra các lý do để khiếu nại. Dù đã được giải quyết nhưng bà vẫn không chấp nhận, tiếp tục khởi kiện ra tòa đòi hủy kết quả bán đấu giá…
Khó xử lý tài sản bảo lãnh
Bên cạnh đó, việc xử lý tài sản bảo lãnh để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của người khác (tài sản của người thứ ba) gặp rất nhiều khó khăn. Theo quy định, cơ quan THA phải xác minh và chứng minh người phải THA không có tài sản thì mới được tiến hành xử lý tài sản bảo lãnh. Điều này dễ dẫn đến việc THA bị kéo dài, rủi ro cho chấp hành viên trong trường hợp người phải THA có tài sản nhưng giấu giếm và chấp hành viên không thể biết được khi xác minh. Do đó, hiện nay đã nảy sinh tâm lý ngại khi xử lý tài sản bảo lãnh của chấp hành viên.
Mặt khác, sau khi bán tài sản bảo lãnh của người thứ ba để THA mà vẫn không đủ thì người phải THA hay người bảo lãnh tiếp tục trả nợ. Do quy định của pháp luật chưa rõ ràng nên dẫn đến việc tranh cãi phức tạp và cơ quan THA rất khó khăn trong việc buộc bên đảm bảo phải trả tiếp phần còn thiếu cho người phải THA.
“Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”
Ngoài ra, theo Vụ Nghiệp vụ 1, việc THA liên quan đến tín dụng ngân hàng còn gặp khó khăn do chính các ngân hàng đã có thiếu sót trong công tác thẩm định tài sản thế chấp, lập hợp đồng thế chấp ban đầu.
Vụ Công ty TNHH Trường Ngân ở thị xã Dĩ An (Bình Dương) dùng một kho cà phê thế chấp cho bảy ngân hàng khác nhau để vay tiền là một ví dụ sinh động. Về sau, khi cơ quan THA kê biên kho cà phê để đảm bảo cho việc THA của ngân hàng này thì đã gặp sự phản đối quyết liệt của các ngân hàng khác.
Mặt khác, có những trường hợp ngân hàng nhận thế chấp là quyền sử dụng đất nhưng không có bản vẽ hiện trạng, không xác định mốc giới; hợp đồng thế chấp tài sản không chặt chẽ, giá trị thế chấp cao hơn giá trị thực tế. Hay ngân hàng nhận thế chấp cả tài sản xây dựng trên đất lưu không hoặc nằm trong quy hoạch; tài sản thế chấp là động sản nhưng khi xác minh thì tài sản không còn hoặc còn nhưng không đúng thực trạng ban đầu… Do đó, đến giai đoạn THA thì nhiều tài sản bị tẩu tán, nhiều diện tích đất rơi vào giải tỏa, đền bù, chồng lấn quyền sử dụng đất… làm ảnh hưởng đến hiệu quả THA.
Ảnh hưởng của thị trường Theo Vụ Nghiệp vụ 1, một lý do khách quan khác khiến việc bán đấu giá tài sản đảm bảo THA cho các ngân hàng không được thuận lợi là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế. Trong năm 2014, thị trường bất động sản đã “ấm” lên nhưng trên thực tế, sự “đóng băng” kéo dài vẫn còn gây nhiều ảnh hưởng, dẫn đến việc bán tài sản để đảm bảo THA gặp nhiều khó khăn. Theo thống kê, có 4.937 việc tương ứng với số tiền hơn 19.000 tỉ đồng đã được cơ quan THA kê biên, định giá, bán đấu giá tài sản nhưng chưa bán được. Nhiều vụ ở Khánh Hòa, Bình Dương, Đồng Nai, tài sản bán đấu giá phải giảm giá đến gần… 30 lần mà vẫn không bán được. Chấp hành viên thiếu trách nhiệm Vụ Nghiệp vụ 1 cũng thẳng thắn nhìn nhận trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận chấp hành viên chưa đáp ứng được yêu cầu, nhận thức và áp dụng pháp luật chưa chính xác, dẫn đến nhiều vụ án rõ ràng, có tài sản thế chấp nhưng việc THA vẫn bị chậm trễ hoặc không được thi hành. Tình trạng chấp hành viên chậm tổ chức THA khá phổ biến, nhiều trường hợp từ năm 2012 đến nay vẫn chỉ dừng ở mức đang xác minh tài sản. Có vụ chấp hành viên không đi xác minh tài sản mà chỉ căn cứ vào bản án và hợp đồng thế chấp để kê biên. Hậu quả là sau khi tổ chức bán đấu giá tài sản mới phát hiện ra thừa một thang máy, một phòng họp 300 chỗ ngồi cùng nhiều tài sản khác không có trong hợp đồng thế chấp. Khi kiểm tra thực trạng tài sản để giao cho người trúng đấu giá, người phải THA không đồng ý giao tài sản, dẫn đến việc THA bị kéo dài. |