Khó trăm bề khi chống ngập ở TP.HCM

Khó trăm bề khi chống ngập ở TP.HCM

(PLO)- Ngập do mưa cực đoan, do triều cường mỗi lúc một cao hơn, tần suất xuất hiện nhiều hơn, biến đổi khí hậu... khiến ngập ở TP.HCM không phải là bài toán có thể giải trong một sớm một chiều.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ngập ở tp.hcm.gif
Biểu đồ tổng hợp phân bổ vị trí điểm ngập ở TP.HCM trong nhiều năm qua tính đến năm 2023. Nhiều vị trí điểm ngập trong biểu đồ này đã được xóa nhờ các dự án chống ngập của TP. Tư liệu trong các kỳ báo cáo về đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060. Đồ họa: K.C

Ngập ở TP.HCM do mưa cực đoan

Từ khoảng 14 giờ chiều 31-5, nhiều khu vực ở TP.HCM xuất hiện cơn mưa lớn, kéo dài trên diện rộng.

Chỉ khoảng 30 phút sau cơn mưa, nhiều tuyến đường ở TP Thủ Đức, quận Bình Tân đã bắt đầu ngập sâu khiến các phương tiện chết máy, di chuyển khó khăn. Cảnh tượng ngập ở TP.HCM không phải hiếm, dù chỉ là những cơn mưa đầu mùa.

Hẳn nhiều người còn nhớ cơn mưa đầu mùa ngày 15-5 đã nhấn chìm nhiều đoạn đường ở khu vực chợ Thủ Đức (TP Thủ Đức). Các dòng nước đổ về khiến khu vực trũng thấp này như mắc kẹt trong biển nước trong khi cống thoát nước bị quá tải, nắp cống thậm chí còn bung lên do áp lực nước quá cao.

"Theo Quy hoạch tổng thể thoát nước TP.HCM đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 752 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ, tần suất thiết kế hệ thống thoát nước tương ứng với mưa có vũ lượng trong 3 giờ là 95,91mm (kênh, rạch); 85,36mm (cống cấp 2); 75,88mm (cống cấp 3), mực nước triều 1,32m)" - ông Lưu Văn Tấn - Giám đốc Trung tâm Phát triển Quản lý hạ tầng TP Thủ Đức cho biết.

Như vậy, dự án thoát nước đường Võ Văn Ngân, TP Thủ Đức được duyệt theo tiêu chuẩn thiết kế quy định trong Quyết định 752 nên trong điều kiện biến đổi khí hậu, mưa lớn vượt tần suất thiết kế vẫn xuất hiện ngập. Tuyến cống tuyến Võ Văn Ngân (khu vực chợ Thủ Đức) là tuyến thoát nước cấp 3.

Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ TP.HCM cho biết, đến 18h ngày 15-5, lượng mưa tại TP Thủ Đức là cao nhất TP.HCM, lên đến 121 mm. Lượng mưa trên 100 mm được ghi nhận ngày càng nhiều là một trong những nguyên nhân gây ngập ở TP.HCM nặng nề hơn.

Cuối tháng 8-2023, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết từ năm 2000 trở về trước, 5 năm mới có một trận mưa vũ lượng trên 95mm trong 3 giờ. Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây, năm nào cũng xuất hiện trên 3 trận mưa vũ lượng trên 100mm, có trận mưa trong 1 giờ đạt trên 150mm.

60.jpg

Theo báo cáo được thể hiện kèm tờ trình của UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM vừa qua về Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 cho thấy số trận mưa gây ngập diện rộng (với vũ lượng >100mm) gia tăng nhanh. Từ mức trung bình 0,67 trận/năm trước 2001 đến 3 trận/năm vào những năm gần đây.

Ngoài ra, tổng lượng mưa trong năm cũng có xu hướng tăng liên tục từ 1976-2022, với lượng tăng trung bình 500mm/năm, tốc độ gia tăng lượng mưa là 22,1 mm/năm.

"Ở trận mưa vũ lượng 30mm, tình trạng ngập nhẹ bắt đầu xuất hiện, vũ lượng 40mm đến 50mm hoặc lớn hơn, xuất hiện tình trạng ngập vừa và nặng, vũ lượng từ 60mm-70mm, khoảng 50% số điểm ngập hiện hữu sẽ bị ngập vừa. Từ 80mm - 100mm hoặc lớn hơn, tất cả điểm ngập trên địa bàn TP đều có khả năng ngập vừa đến nặng" - đồ án nhận định.

Với cường độ về mưa như hiện nay thì các cống thoát nước khó có thể giải quyết được tình hình ngập ở TP.HCM. Do đó, chúng ta cần thực hiện thêm các giải pháp khác ở nhiều nơi. Đơn cử như làm hồ điều hòa để trữ nước, khi mưa bớt thì cho thoát nước vào hệ thống cống.

PGS-TS Nguyễn Hồng Quân, nguyên Giám đốc phụ trách Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu, Viện Môi trường và Tài nguyên (ĐH Quốc gia TP.HCM)

57.jpg
Số tuyến đường được xóa ngập do mưa trong giai đoạn 2008-2020.

Theo ông Lý Thanh Long, Chánh Văn phòng Sở Xây dựng TP.HCM, hiện TP còn 13 tuyến đường trục chính ngập do mưa. Các tuyến này gồm đường Phan Anh, Lê Đức Thọ, Quang Trung, Nguyễn Văn Khối (Cây Trâm), Hồ Học Lãm, quốc lộ 1A, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Kha Vạn Cân, Bạch Đằng, Thảo Điền, Quốc Hương, Nguyễn Văn Hưởng.

Theo kế hoạch năm 2024, thành phố sẽ xóa, giảm ngập 4/13 các đường gồm Nguyễn Văn Khối, Lê Văn Thọ, Quang Trung, Lê Đức Thọ.

bđmt-TRANG-SUA.gif
Các yếu tố khiến TP.HCM ngập: triều cường, mưa cực đoan và xả lũ, đồng thời là các vùng địa hình của TP.HCM. Đồ họa: K.C

Ngập do triều cường, nước biển dâng

Ông Long cũng cho biết TP.HCM còn 5 tuyến trục chính ngập do triều cường gồm đường Huỳnh Tấn Phát, Trần Xuân Soạn (quận 7), Lê Văn Lương, Đào Sư Tích (huyện Nhà Bè) và quốc lộ 50 (huyện Bình Chánh).

58.jpg
Số tuyến đường được xóa ngập ở TP.HCM do triều trong giai đoạn 2008-2020.

Câu chuyện ngập do triều luôn là "bài ca muôn thuở" mà người dân phải chịu đựng trong nhiều năm qua, nhất là các khu vùng ven TP.

Theo số liệu thống kê, đầu năm 2008 trên địa bàn thành phố có 95 tuyến đường trục chính bị ngập do triều. Đến năm 2016, TP còn tồn tại 9 tuyến đường trục chính bị ngập do triều.

Hệ thống sông kênh rạch của TP.HCM chịu ảnh hưởng của chế độ bán nhật triều từ biển Đông qua các sông lớn như sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Mực nước thay đổi theo từng mùa, từng vị trí do ảnh hưởng diễn biến triều ở hạ lưu và chế độ xả lũ của các công trình thủy lợi, thủy điện phía thượng lưu.

Mực nước triều cường hàng năm trên sông Sài Gòn - Đồng Nai - Nhà Bè dao động từ 1,15m đến 1,8m , chênh lệch mực nước cao nhất và thấp nhất thay đổi từ 3,5m đến 4m.

Cũng theo kết quả khảo sát cho thấy tình trạng ngập ở TP.HCM do triều tại các khu vực trũng thấp trên địa bàn thành phố bắt đầu xuất hiện ở mức triều từ 1m trở lên (mức nước đỉnh triều lập đỉnh 1,8m vào 30-9-2019 được ghi nhận tại trạm Nhà Bè).

Bên cạnh đó, triều cường còn gây hiện tượng bể, tràn bờ bao, ngập úng tại một số địa phương làm ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân, gây ô nhiễm môi trường sống, cản trở giao thông.

Nhiều khu dân cư xây dựng có cốt nền thấp hơn mực nước triều cường nên thường xuyên bị ngập.

62.png

Mực nước triều cường trên sông không chỉ chứng kiến sự gia tăng đáng kể với tốc độ 1,5 cm/năm mà số ngày triều vượt qua ngưỡng báo động III cũng tăng mạnh đến 785%. Trong 27 năm (từ 1980 đến 2007) liên tục đỉnh triều duy trì ở mức dưới báo động III (+1,50m) tại trạm Phú An. Số ngày triều có mực nước từ 1,5m trở lên ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong 3 năm trở lại đây.

Ngoài ra, TP đang triển khai siêu dự án Giải quyết ngập do triều cường khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu (giai đoạn 1), được khởi công từ tháng 6-2016. Tổng vốn đầu tư gần 10 ngàn tỉ đồng, nhưng đến nay vẫn chưa thể hoàn thành.

Ngoài nỗi lo về triều, TP.HCM còn phải chuẩn bị cho các kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng trong tương lai.

Thách thức lũ lụt khiến TP.HCM nằm trong số 10 TP chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu.

TS Laurent Perrin, Nhà Quy hoạch Cấp cao, Viện Quy hoạch vùng Paris, Pháp

15.jpg
Xu thế gia tăng mực nước triều trên sông giai đoạn 1980-2022, một trong những nguyên nhân gây ngập ở TP.HCM

Thật vậy, nhận định về xu thế biến đổi mực nước trên sông, đồ án cho biết cao độ mực nước max trên các hệ thống sông chính Sài Gòn và Đồng Nai chứng kiến một sự tăng đáng kể ở tất cả các trạm quan trắc xung quanh TP.HCM trong vòng gần bốn thập kỷ trở lại đây (hình trên).

"Trong tương lai, với điều kiện biến đổi khí hậu, nước biển dâng, nếu không có giải pháp quản lý kịp thời, địa hình thấp kết hợp với sự dâng cao của mực nước biển sẽ tạo ra áp lực rất lớn đến chương trình điều hành thoát nước và chống ngập ở TP.HCM" - báo cáo nêu.

Nỗi lo mưa kết hợp triều cường

Tổ hợp bất lợi mưa kết hợp triều cường có thể gây ngập ở TP.HCM trước đây rất ít khi xảy ra đồng thời. Tuy nhiên, từ năm 2015 chứng kiến tần suất gia tăng đáng kể đến 900%. Đi cùng với hiện tượng này là số điểm ngập cũng gia tăng gần 100% (TP Thủ Đức).

Tổ hợp bất lợi mưa kết hợp triều cường còn gây ra hiện tượng tràn cống gây ngập. Khi đó, những vùng có cao độ từ 2m cũng xuất hiện ngập đô thị.

64.png
Biểu đồ tần suất tổ hợp mưa lớn (trên 100mm) xảy ra cùng triều cường có thể gây ngập ở TP.HCM

Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa TP cũng góp phần không nhỏ khiến ngập ở TP.HCM trầm trọng hơn.

"Xu thế đô thị hóa diễn ra mạnh trong 30 năm trở lại đây với tổng diện tích đô thị hóa gần gấp 3 khi so sánh giữa hai thời kỳ 2022 và 1990. Trong 10 năm trở lại đây, xu thế này mở rộng ra những vùng trũng thấp đặc biệt là ở TP Thủ Đức, huyện Bình Chánh và huyện Hóc Môn" - báo cáo phân tích thêm.

Quá trình đô thị hóa mạnh tại các quận có địa hình cao cũng kéo theo sự biến mất của hệ thống kênh, rạch, hồ tự nhiên và các vùng không gian xanh tại các quận trung tâm và TP Thủ Đức. Từ đó dẫn đến tăng nguy cơ ngập ở TP.HCM, nhất là khu đô thị do sự suy giảm mạnh khả năng trữ nước và làm chậm dòng chảy gây ngập.

"Các vỉa hè, khu vực nhà ở riêng lẻ cũng cần tuyên truyền để người dân giảm bớt bê tông, tăng thêm cây xanh, chính việc bê tông hóa quá nhiều đã dẫn đến mức độ thấm xuống lòng đất không còn nữa" - PGS-TS Nguyễn Hồng Quân nói.

Tư liệu dùng trong bài từ đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn 2060 được UBND TP.HCM trình HĐND TP.HCM vừa qua (19-5).

Đọc thêm