Khóc cười sinh viên làm mẹ

“Bốn đứa chơi thân, cùng phòng trọ, cùng trường, cùng quê, giờ lại cùng góp gạo, tiền để chăm sóc “bạn bầu”. Gia đình chồng đã bỏ rơi nó, bọn em không lo thì tủi thân mẹ con nó lắm!”. Câu nói của một người bạn cùng phòng LTC (sinh viên (SV) năm tư Trường ĐH Sài Gòn TP.HCM) khiến cả phòng trọ đang ồn ào bỗng trở nên im lặng…

Uống thuốc tiêu hóa vì thấy… bụng to

Trước đây C. yêu một người bạn học chung lớp phổ thông, giờ đang làm cán bộ xã gần nhà ở quê. Đôi bạn đã từng “quan hệ” mấy lần nhưng không thấy có thai nên C. nghĩ mình bị vô sinh. Đến khi có hiện tượng mất kinh nguyệt đến ba tháng nhưng vẫn ăn uống bình thường, C. chỉ nghĩ mình bị… trướng bụng nên mua thuốc tiêu hóa về uống. Mãi không bớt, C. đi khám phụ khoa rồi siêu âm mới dám tin mình có em bé đã bốn tháng!

Dù bị gia đình mắng nhiếc đủ điều nhưng rồi đám cưới cũng được tổ chức vội vàng ngay trong tuần. C. vào TP.HCM học tiếp ĐH, còn chồng ở quê. Nhưng người chồng lại không chịu đi đăng ký kết hôn vì nghi ngờ đứa bé trong bụng C. Gia đình chồng cũng không hỏi thăm C. một câu nào.

“Bọn em trách nó dại nhưng thấy nó khóc hoài nên cũng ôm nó khóc cùng. Bọn em cũng góp tiền mua sữa rồi thay nhau nấu ăn đầy đủ cho nó. Mỗi lần thấy C. ngồi cười một mình khi xem đi xem lại clip siêu âm đứa bé trong bụng mà thương lắm. Bọn em chỉ biết động viên nó vì đứa con mà sống chứ không biết nói gì hơn” - một bạn cùng phòng C. xót xa nói.

Khóc cười sinh viên làm mẹ ảnh 1

SV nên tự trang bị kiến thức cho mình và rất cần được hướng dẫn để tránh những sai lầm đáng tiếc. Trong ảnh: SV trao đổi với chuyên gia tư vấn trong một buổi sinh hoạt tại Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM. Ảnh: PA

Có con cũng như không

Có tình cảm với một SV cùng quê được khoảng năm tháng, H.H.Th. (hiện là SV năm ba Trường ĐH KHXH&NV) đã quyết định sống chung với người yêu trong sự trách móc của bạn bè.

Được nửa năm, do sơ suất uống thuốc ngừa thai không đều nên Th. có thai. Th. về quê đăng ký kết hôn. Trách con gái bôi nhọ lên gia đình có truyền thống sư phạm, ba má Th. cắt luôn tiền ăn học. Chồng Th. phải giấu gia đình nghỉ học ĐH, đi làm nuôi vợ con. Th. kể: “Trước khi sinh hai tuần, chồng em phải bán hết hai laptop để đề phòng em sinh đột ngột. Mổ xong cả tuần nhưng em vẫn không có sữa, phải cho con bú nhờ chị bên cạnh”. Để học tiếp năm ba, Th. gửi con về quê cho ba má chồng chăm sóc. Nhưng hai vợ chồng lại xảy ra mâu thuẫn nên quyết định ly thân, Th. ở lại học, còn chồng về quê làm ăn và nuôi con.

Kết thúc kỳ thi, Th. về quê thăm con nhưng bị gia đình chồng ngăn cản, không cho gặp. “Gia đình chồng trách em là đứa hư hỏng, không xứng đáng gặp con. Có lần năn nỉ lắm, nhà chồng chỉ cho em vào ôm con xong là đuổi ra ngay. Giờ em chỉ có thể ngắm con qua những bức ảnh chụp bằng điện thoại” - Th. ngậm ngùi.

Rao “biếu” hai đứa con sinh đôi

Cách đây không lâu, bà M. (chủ nhà trọ tại xã Đông Hòa, Dĩ An, Bình Dương) bất ngờ nhận được lời đề nghị nhận nuôi giùm hai đứa trẻ sinh đôi vừa tròn tháng từ một cặp SV học Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM đang thuê trọ ở đó.

Bà M. kể, hai cô cậu học cùng trường, trốn gia đình ở chung với nhau suốt hai năm nay. Đến khi cô “vợ” có bầu, cậu “chồng” điện thoại về nhà xin làm lễ ăn hỏi với lý do là “bạn gái sắp đi du học” nhưng gia đình vẫn không đồng ý.

“Sinh xong, thằng chồng đi hỏi dò mấy người quen để biếu con khiến ai cũng tưởng đùa. Đến khi không thấy hai đứa con đâu, tôi hỏi ra mới biết chúng đi khám bệnh rồi bỏ lại ở BV Đa khoa Thủ Đức. Con mình đẻ mà làm như hai củ khoai lang vậy, chỉ thương hai đứa trẻ vô tội không biết sẽ thế nào” - bà M. tặc lưỡi.

Gia đình nên mở rộng lòng thương trước sai lầm của con

SV vì nhiều lý do phải bước vào làm cha, làm mẹ sớm sẽ chịu nhiều áp lực như hôn nhân không hợp pháp, không có thu nhập, kinh nghiệm và tâm lý quá non trẻ, bị bạn trai bỏ rơi… Từ đó, bản thân SV không xoay xở được mà con cái cũng không được nuôi dưỡng tử tế.

Vì thế, SV phải bản lĩnh, dám làm dám chịu, đừng vội phá thai hoặc bỏ mặc sức khỏe bản thân. SV có thể bảo lưu kết quả học tập, tìm đến sự chia sẻ của gia đình, tư vấn viên của các trung tâm xã hội để được hướng dẫn chăm sóc thai nhi tốt nhất. Phụ huynh cũng nên mở rộng lòng thương trước sai lầm của con, đừng để lầm lỡ của con thành mất mát nặng nề hơn.

BS sản phụ khoa PHAN HỒNG ANH, Phó Chủ tịch Hội Kế hoạch hóa gia đình TP.HCM

Cần giáo dục giới tính cho SV

SV là lứa tuổi mà tình yêu bắt đầu nở rộ, lại sống xa nhà nên ít được định hướng về lối sống. Thêm vào đó, ảnh hưởng từ tư tưởng “tự do tình dục” được thâm nhập từ văn hóa phương Tây thông qua con đường phim ảnh và Internet khiến nhiều bạn trẻ chọn lối sống “cởi mở” hơn, dễ dãi hơn và tất yếu là hậu quả nhiều hơn.

Thực tế, nội dung giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản chỉ mới được quan tâm gần đây, mà không phải HS-SV nào cũng được tiếp cận. Giáo viên e ngại, gia đình làm ngơ, truyền thông đúng sai đều có… nên lỗ hổng về kiến thức ngày càng lớn.

Vì thế, các tổ chức xã hội, đặc biệt là đoàn, hội là “cứu cánh”, giúp SV ý thức hơn về giá trị của mình, hiểu cặn kẽ về giới tính và có kiến thức bảo vệ sức khỏe và tâm hồn mình. Bản thân SV không nên ngại ngùng, thụ động, ngoài học tập và vui chơi nên tự trang bị kiến thức để bảo vệ mình, đừng để xảy ra hậu quả rồi mới nuối tiếc.

ThS NGUYỄN HOÀNG KHẮC HIẾU, giảng viên khoa Tâm lý và Giáo dục ĐH Sư phạm TP.HCM

PHẠM ANH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm