Bà Hứa Thị Phấn, nguyên Chủ tịch Ngân hàng Đại Tín (nay là Ngân hàng Xây dựng VNCB), là người nắm giữ hơn 84% cổ phần Ngân hàng Đại Tín trước khi bán cho ông Phạm Công Danh.
Được tại ngoại vì lý do sức khỏe
Cụ thể, 12 giờ trưa 24-3, Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng thuộc Bộ Công an (C46) đã khám xét nhà riêng của bà Phấn tại số 3 Công Lý, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức (TP.HCM).
C46 đã tống đạt quyết định khởi tố bị can đối với bà Phấn về tội vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụngvàcố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Vào buổi sáng cùng ngày, C46 cũng đã tiến hành khám xét nơi làm việc của bà Phấn tại Ngân hàng Xây dựng - Chi nhánh Lam Giang (đường Trần Hưng Đạo, phường Cô Giang, quận 1).
Cùng ngày, C46 cũng đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, thi hành lệnh khám xét một số người nguyên là lãnh đạo và cán bộ của Ngân hàng Đại Tín về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo nguồn tin riêng của báo Pháp Luật TP.HCM, bà Phấn đã bị khởi tố nhưng được tại ngoại để điều tra do tình hình sức khỏe của bà không được tốt vào thời điểm hiện tại.
Cục CSĐT tội phạm về kinh tế và tham nhũng thuộc Bộ Công an khám xét nhà riêng của bà Hứa Thị Phấn. Ảnh: T.LINH
Bị cáo buộc có nhiều sai phạm
Trước đó, tại phiên sơ thẩm đại án Phạm Công Danh vào tháng 9-2016, sau khi tuyên án Phạm Công Danh (nguyên chủ tịch Ngân hàng Xây dựng Việt Nam - VNCB) và đồng phạm vì làm thất thoát 9.000 tỉ đồng, TAND TP.HCM đã công bố quyết định khởi tố vụ án, điều tra trách nhiệm của bà Hứa Thị Phấn.
Theo đó, bà Phấn bị cáo buộc là có nhiều sai phạm dẫn đến Ngân hàng Đại Tín bị âm vốn chủ sở hữu lên tới hơn 2.800 tỉ đồng, lỗ lũy kế hơn 6.600 tỉ đồng trước khi chuyển nhượng cho ông Danh.
Theo hồ sơ, trước khi ông Danh tiếp quản Ngân hàng Xây dựng, bà Phấn đã sử dụng 29 pháp nhân lập hồ sơ thế chấp tài sản giá trị thấp hoặc không thế chấp tài sản để vay của Ngân hàng Đại Tín 3.581 tỉ đồng. Tòa xác định vụ việc của nhóm bà Phấn có dấu hiệu tội cố ý làm trái và vi phạm quy định cho vay.
Tại kết luận của Ngân hàng Nhà nước, từ tháng 7-2012, với sở hữu gần 85% cổ phần tại Ngân hàng Đại Tín, nhóm bà Phấn đã thao túng toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Đại Tín nhằm mục đích phục vụ cho bà Phấn và các công ty sân sau, các dự án để rút ruột hàng ngàn tỉ đồng tại ngân hàng. Theo đó, các khoản nợ liên quan đến bà Phấn tại Ngân hàng Đại Tín là khoảng 4.500 tỉ đồng, trong đó có 3.500 tỉ đồng gồm 29 hồ sơ vay mà khách hàng cá nhân vay giùm bà Phấn và 1.000 tỉ đồng là khoản ngân hàng đầu tư vào các công ty liên quan đến bà Phấn…
Nhiều cựu lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín đã bị bắt Tại phiên xử đại án 9.000 tỉ đồng ở VNCB, tòa cũng công bố quyết định khởi tố vụ án về những sai phạm của Hội đồng tín dụng Ngân hàng Đại Tín, thời điểm trước khi chuyển giao cho ông Phạm Công Danh gồm ông Hoàng Văn Toàn và các thành viên. Đầu tháng 1-2017, Bộ Công an đã bắt tạm giam ông Hoàng Văn Toàn về sai phạm trong thời gian là chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đại Tín (sau thời bà Phấn); cựu tổng giám đốc Trần Sơn Nam và ít nhất năm người khác. Các bị can bị điều tra về hành vi vi phạm các quy định về cho vay trong hoạt động tổ chức tín dụng và cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng. |