Dư luận có quan tâm nhưng cũng qua nhanh, bởi những chuyện tệ hại như thế trong môi trường giáo dục xảy ra ngày càng nhiều, thiên hạ không đoán định được.
Tuy nó không thu hút được sự ồn ào của dư luận nhưng lại khiến cho những người quản lý giáo dục có trách nhiệm, các nhà nghiên cứu giáo dục buộc phải lưu tâm vì những tình tiết mới xuất hiện. Không cần phải khó khăn, chúng ta ai cũng nhận thấy một tình trạng vô cùng xấu diễn ra trong môi trường giáo dục là sự đối phó lẫn nhau giữa các tuyến xã hội. Phụ huynh và lãnh đạo nhà trường đối đầu nhau vì chuyện lạm thu, giáo viên đối đầu với lãnh đạo trường vì xung đột lợi ích và tệ hại nhất là giáo viên và học sinh (HS) đối đầu lẫn nhau.
Công tâm mà nói, phần đông thầy cô giáo có tâm với HS, sinh viên, coi HS như con em của mình. cho dù với bất kỳ lỗi lầm nào của HS, thầy cô đều lấy chữ “tình” làm nền tảng, tìm cách xử lý tích cực nhất theo nguyên tắc có lợi cho HS. Hầu hết cách xử lý có lý, có tình như thế khiến cho HS cảm phục và tự các em chuyển hóa từ “cá biệt” trở nên “bình thường”.
Trường THPT Nguyễn Trãi, Thanh Hóa, nơi xảy ra vụ lùm xùm đuổi bảy học sinh xúc phạm cô giáo. Ảnh: đặng trung
Nhưng trong thực tế có không ít, thậm chí là khá nhiều thầy cô coi HS thuần túy là đối tượng bị giáo dục, cho nên có thái độ xét nét theo kiểu “bới lông tìm vết”, định kiến, thù ghét, trù dập HS. Các em HS phổ thông đang ở cái tuổi dậy thì, cho nên có những lúc phát ngôn chưa chín chắn, hành động bột phát, học hành chểnh mảng. Đây cũng là giai đoạn các em muốn khẳng định “cái tôi” của mình. Lẽ ra các nhà sư phạm cần phải hiểu điều này, thay vì tế nhị nhắc nhở các em thì lại to tiếng, trừng phạt hay bêu riếu, sỉ nhục, xúc phạm làm mất thể diện cá nhân các em. Cho nên nhiều em trong phút thiếu kiềm chế đã phản ứng vô lễ, thái quá…
Có lẽ ngành GD&ĐT cần có những hội nghị chuyên đề bàn thảo về chuyện này một cách kỹ lưỡng hơn để không rơi vào tình thế bị động. Nhưng một khía cạnh khác cần bàn đến là khi HS bức xúc về học tập, về thái độ ứng xử không công bằng, về những ẩn ức phát sinh trong nhà trường thì các em cần giãi bày ở đâu, với ai? Ai giúp các em cải thiện được mối quan hệ ngày càng xấu đi với thầy A, cô B? Thực sự thì có những thầy cô giáo ghét HS ra mặt chỉ vì một lần trò không làm hài lòng, vì em ấy tỏ ra xem thường thầy cô.
Hơn thế nữa, khi nhà trường coi HS là trung tâm của giáo dục mà một số thầy cô giáo có biểu hiện thiếu gương mẫu, sa sút về đạo đức thì HS có được quyền phản ánh không? Hay các em im lặng chịu đựng hoặc giải tỏa bằng cách tung lên Facebook, lên mạng xã hội để xả nỗi uất ức? Một số trường có phòng tư vấn học đường nhưng cả năm không có ai đến chỉ vì chất lượng tư vấn viên quá kém và cũng chả có ích lợi gì, chưa kể còn bị đì nữa.
Nói đi cũng phải nói lại, việc HS phản ứng một cách thái quá với các thầy cô giáo cho thấy đạo đức và cách ứng xử của HS đang có vấn đề. Việc chặn đứng sự sa sút đạo đức xã hội trong môi trường giáo dục và phục hưng đạo đức cả thầy lẫn trò là một việc cấp bách nhưng cũng đòi hỏi một quá trình lâu dài với những nhận thức đúng, bước đi đúng, phương pháp đúng.
Chúng ta từng có những thế hệ người thầy tuy rất nghèo nhưng được cả xã hội kính trọng, có lẽ họ chịu ảnh hưởng tư tưởng của nhà sư phạm Xô Viết nổi tiếng Makarenko, rằng không có học trò tồi mà chỉ có thầy giáo tồi. Suốt cuộc đời của mình, ông và các thầy cô giáo trong trường phái của ông không từ bỏ bất kỳ học trò nào, từ trộm cắp đường phố đến ăn mày, ăn xin.
Nếu cứ động một tí là đuổi học thì có xứng đáng với trọng trách giáo dục mà xã hội tin tưởng giao phó không?!