Những năm trước đây, hiện tượng “cò vé” xuất hiện trải dài từ khu vực cổng vào cho đến bên trong nhà ga Sài Gòn (quận 3, TP.HCM). Khi có người dân bước vào từ ngoài cổng, khu vực gửi xe hay các con đường vào ga chính, “cò vé” đều chào mời khách mua vé tết với giá chênh lệch 200.000-500.000 đồng (tùy theo cự ly tàu di chuyển). Tuy nhiên, năm nay đã không còn hiện tượng hành khách phải mua vé từ “cò” với số tiền chênh lệch như trên.
Theo ghi nhận của PV, suốt thời gian bắt đầu mở bán vé tết Nguyên đán 2021 (từ ngày 1-10), tại ga Sài Gòn không còn hiện tượng chèo kéo hành khách mua vé. Đa phần hành khách mua vé trực tiếp tại đại lý, ga Sài Gòn hoặc nhiều kênh trực tuyến khác.
Ga Sài Gòn đã không còn hiện tượng "cò vé" tết - Ảnh THY NHUNG
Khảo sát cho thấy vé tết năm nay chủ yếu được người dân mua bằng hình thức trực tuyến. Hình thức mua vé này có ưu điểm là không phải tốn thời gian đến ga để xếp hàng chờ đến lượt và lấy vé. Thay vào đó, chỉ cần bằng một số thao tác trên điện thoại, máy tính là có thể dễ dàng mua được loại vé theo mong muốn.
Chị Nguyễn Thị Phương (quê Hà Tĩnh) chia sẻ: “Khi có thông tin mở bán vé tết thì tôi đã đặt vé trên kênh thông tin của ngành đường sắt, sau đó thanh toán vé bằng ví Momo rất thuận tiện và nhanh chóng”.
Theo tìm hiểu, khi hành khách thanh toán xong chỉ cần giữ mã thanh toán. Khi lên tàu chỉ cần đưa điện thoại kiểm tra mã này cùng giấy tờ tùy thân là có thể đi mà không cần phải in vé tàu.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đỗ Quang Văn, Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, cho biết thời gian vừa qua ngành đường sắt đã kiểm soát chặt chẽ để không còn hiện tượng “cò vé” xảy ra như trước đây.
Cụ thể, ngành đường sắt yêu cầu hành khách đi tàu phải có đầy đủ giấy tờ, thông tin cá nhân mới được lên tàu. Tiếp đến là nhà ga đã phối hợp với địa phương để quản lý các trường hợp “cò vé” (nếu có). Bên cạnh đó, các nhân viên trên tàu cũng kiểm soát một cách chặt chẽ để không có hiện tượng hành khách không có vé mà vẫn bằng mọi cách lên được tàu.
“Việc mua vé bây giờ đều được công khai, cụ thể trên các cổng thông tin điện tử, còn vé hay hết vé hành khách cũng có thể nhận ra. Không qua trung gian thì sẽ không có hiện tượng lừa đảo như trước đây” - ông Văn cho biết.
Đồng quan điểm, ông Lê Quốc Trung, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vận tải đường sắt Sài Gòn, thông tin thêm năm nay việc bán vé tại ga Sài Gòn chỉ thực hiện trong buổi sáng, còn như các năm trước là thời gian này kéo dài hơn. Ngành đường sắt đã lên kế hoạch đưa các phương án bán vé tết trên mạng Internet.
Theo ông Trung, việc mở bán tại ga chủ yếu phục vụ cho những người dân không thông thạo về tin học nên họ có thói quen mua vé tàu tại ga. Khi đó các nhân viên bán vé cũng lấy vé trên cổng thông tin điện tử của ngành đường sắt để bán cho khách. Theo đó, hành khách có thể mua vé qua nhiều ứng dụng khác nhau, đặc biệt qua app điện thoại hay app ngân hàng cũng đều có chức năng thanh toán vé tàu.
“Các phương thức, dịch vụ năm nay được ngành đường sắt hoàn thiện nhằm phục vụ người dân tốt nhất, kể cả việc trả vé cũng có thể thực hiện bằng các hình thức này. Hành khách chỉ cần ngồi một chỗ là có thể có vé tàu và thanh toán thuận tiện” - ông Trung cho hay.