Không đánh đổi tăng trưởng với cân bằng hệ sinh thái

Ngày 29-1, bên hành lang Đại hội XIII, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đã trao đổi với báo chí chung quanh nội dung xây dựng, phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Ông cho hay, ngành nông nghiệp xác định không thể đánh đổi tăng trưởng bằng mất đi cân bằng hệ sinh thái, mất đi đa dạng sinh học...

Cần chung tay vào việc “sạch từ đồng lên bàn ăn”

. Phóng viên:Dự thảo Văn kiện Đại hội XIII xác định rõ việc hướng tới là xây dựng, phát triển nền nông nghiệp sạch - hữu cơ - bền vững và tuần hoàn. Xin cho biết ý kiến của ông về định hướng trên?

+ Ông Lê Minh Hoan: Ngành nông nghiệp xác định: Không thể đánh đổi tăng trưởng bằng mất đi cân bằng hệ sinh thái, mất đi đa dạng sinh học, thậm chí là mất đi uy tín, thương hiệu của nông sản Việt.

Sắp tới, chúng tôi sẽ có một chương trình để “cân, đong, đo, đếm” được sự chuyển đổi từ việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vô cơ sang thuốc hữu cơ. Mọi sự thay đổi với bà con đều rất khó khăn nhưng cần thời gian nhất định để chuyển đổi ngành nông nghiệp “lạm dụng đầu vào” thành một nền nông nghiệp “thuận thiên”, dựa trên tự nhiên. Thời gian đầu, năng suất có thể giảm xuống nhưng năng suất không đồng nghĩa với thu nhập, vì chất lượng nông sản tăng lên, thương hiệu nâng lên thì giá trị và giá bán cũng sẽ nâng lên.

. Một trong những mục tiêu của xây dựng nông thôn mới là đưa bữa ăn sạch từ đồng ruộng lên bàn ăn…

+ “Sạch từ đồng ruộng tới bàn ăn” là điều ai cũng biết nhưng nhiều khi đó cũng là vấn đề của nhận thức xã hội. Tôi nghĩ rằng cả xã hội đều phải “kích hoạt”, chung tay trong vấn đề này. Nhiều bà con nông dân hỏi tôi: “Mấy ông kêu tôi trồng rau sạch, sao khi ra chợ lại mua phải rau không sạch, thế có mâu thuẫn không?”. Tôi nghĩ đây là câu chuyện của cả xã hội. Nói như thế để thấy tất cả chúng ta không vô can trong chuyện an toàn thực phẩm.

Muốn có nhiều “đại bàng” nhưng không được quên “chim sẻ”

. Thời gian qua, nhiều tập đoàn tư nhân lớn đã rất hứng thú đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Ông đánh giá thế nào về việc này?

+ Đó là một tín hiệu rất vui. Nhưng chúng ta muốn có nhiều tập đoàn tư nhân (những “đại bàng”) đầu tư vào nông nghiệp để dẫn dắt thì cũng đừng quên những “chim sẻ” là các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng đang đầu tư, rải khắp ở các địa phương. Sự hợp lực của “đại bàng” với “chim sẻ” sẽ tạo ra hiệu quả lan tỏa.

Cạnh đó, thời gian tới, với các chương trình đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp… trên lĩnh vực nông nghiệp chúng tôi cũng sẽ ưu tiên, mời gọi những doanh nghiệp, bạn trẻ trở về từ các đô thị lớn, có nhiều kiến thức mới…

Nếu chúng ta đưa công nghệ vào, đưa doanh nghiệp vừa và nhỏ về sẽ thu hút được trí thức trẻ trở về nơi các em, các cháu đã sinh ra. Như vậy, đến một ngày nào đó chúng ta sẽ không còn phải “ca cẩm” chuyện thanh niên bỏ ruộng, bỏ quê, bỏ làng tới các khu công nghiệp…

. Từng gắn bó “ruột thịt” với nông nghiệp, nông thôn, nông dân…, vậy triết lý, công thức phát triển nông nghiệp của ông là gì?

+ Tôi hay trao đổi với các địa phương, với nông dân, với doanh nghiệp thì rút ra thế nđo nồng độ cồnày: Khi doanh nghiệp đến đầu tư, chúng ta phải khuyến khích họ tạo ra được chuỗi ngành hàng. Bởi lẽ chuỗi ngành hàng đó tạo ra rất nhiều việc làm và từ đó mới tạo ra sự bền vững cho doanh nghiệp, cho nền nông nghiệp. Từ đó, triết lý phát triển nông nghiệp bền vững là không chỉ coi mục đích tăng trưởng bao nhiêu mà phải xem tăng trưởng đó tạo ra bao nhiêu việc làm. Đó mới là điều quan trọng.

. Xin cám ơn ông.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm